Đặc sản miền Tây lên ngôi thời cách ly xã hội Bần chua mắm sống Tại hầu hết các tỉnh miền Tây, bần là loại quả gia vị có thể thay thế me hoặc cơm mẻ để tạo độ chua cho món ăn. Loại quả mọc ven sông có vị chua hơi chát, ăn kèm với mắm sống (người miền Tây gọi là mấm) làm từ cá linh, cá sặt là ngon nhất. Đây là món ăn chơi dân dã của người miền Tây. Video: Huỳnh Thoại Lam Sun. Cá lau kiếng Đây là đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở miệt Cần Thơ, được người dân tát mương, đặt lưới bắt. Loài cá này có thể chế biến thành nhiều món như nướng trui, nấu canh chua, lóc da làm khô, xay chả, nhưng ngon nhất vẫn là hầm xả. Trong ảnh là món cá lau kiếng nấu lẩu, chung với các loại rau củ tùy thích và nước cốt dừa. Ảnh: Sương Sương. Bánh tét Khmer Cứ đến ngày 14 – 16/4 dương lịch hàng năm, người Khmer ở Kiên Giang lại quây quần gói bánh tét nhân dịp Chôl Chnăm Thmây, tức lễ đón năm mới cổ truyền. Tương tự như bánh tét của người Kinh, món bánh kiểu Khmer có thành phần chính gồm gạo nếp, dừa, đậu xanh, thịt heo, tuy nhiên tỷ lệ nhân hơi khác và kích thước nhỏ hơn. Do ảnh hưởng của Covid-19, Chôl Chnăm Thmây năm nay không tổ chức, các hộ dân và nhà chùa vẫn gói bánh để có không khí năm mới. Ảnh: Nguyễn Thảo Quyên. Hến một nắng Phổ biến ở vùng Tân Châu và Châu Đốc ở An Giang, hến một nắng là món ăn dân dã gây thèm thuồng bởi thành phần chế biến. Hến, người miền Tây gọi là lía, sau khi làm sạch ướp với muối và ớt, trộn cùng lá chanh hoặc lá chúc, lót lá ổi phía dưới rồi phơi dưới nắng gắt mùa khô khoảng 15 - 30 phút. Thịt hến sẽ chín tái có vị ngọt hơi dai, khi ăn chấm với muối ớt chanh đậm vị chua cay ngọt. Ảnh: Như Ý Nguyen. Bánh lá mơ Bánh lá mơ phổ biến ở Sóc Trăng, người Tiền Giang gọi là bánh da, thường được bán cùng với bánh bèo, bánh chuối hấp, bánh ít trần vì đều dùng chung với nước cốt dừa. Bánh làm từ bột gạo nếp nhồi với lá mơ xay nhuyễn, thêm đường, muối rồi được nắn dẹt, dính vào chiếc lá mít hoặc lá chuối. Bánh hấp chín có màu đen nâu và mùi thơm the the của lá mơ, chấm với nước cốt dừa mang vị béo, ngọt, bùi. Ảnh: Thi Thi Bánh xèo củ hủ dừa Tuy không có thịt nhưng đây được người địa phương gọi là món sang, vì có thành phần củ hủ dừa. Củ hủ là phần lõi non ở trong cây dừa sau sẽ phát triển thành lá, muốn lấy phải đốn cả một cây dừa. Món ăn cuốn cùng rau sống và chấm nước mắm ớt mặn ngọt. Phiên bản bánh xèo củ hủ dừa xuất hiện ở nhiều tỉnh miền Tây, thường được làm trong dịp tết Đoan Ngọ. Ảnh: Hiệp Lực Bánh cúng Bánh cúng là bánh tên 'cúng', không phải bánh làm xong mang đi cúng, được mô tả như bánh tẻ miền Bắc nhưng không có nhân. Nguyên liệu bánh là hỗn hợp lỏng gồm bột gạo, bột mì, nước cốt dừa, đường, có thể trộn thêm lá dứa cho thơm và có màu đẹp. Người làm bánh rót hỗn hợp bột vào khuôn lá chuối cuộn thành ống, sau đó gói lại hấp chín. Bánh ăn dai, mềm, ngọt đậm vị cốt dừa. Bánh có ở một số chợ quê tại Bến Tre, An Giang... Ảnh: Miền Tây Ơi Bánh vá Bánh vá tựa như bánh cống nhưng nhỏ hơn do bột được múc bằng một chiếc muôi lòng nông, người miền Tây gọi là vá, do đó gọi là bánh vá. Có ý kiến cho rằng bột bánh đổ bằng bột và giá từ đậu xanh, đặc sản Tiền Giang này còn có tên là bánh giá. Bên trong nhân bánh gồm gan, thịt xay, thêm con tôm sông và giá sống, trộn cùng hỗn hợp bột gạo với đậu nành hoặc đậu xanh xay, rồi chiên giòn. Ảnh: Ngọc Phan. Tâm Linh