Bảy năm trước, khi bé Nguyễn Hà Quỳnh Hương lên ba, gia đình chị Hà ở xã Thịnh Hoà, huyện Tây Hoà, Phú Yên phát hiện bên cánh tay phải của em có một nốt nhỏ. Ngỡ đó là một tổn thương da không nghiêm trọng nên chị Hà chỉ cho con đi khám ở quê và mua thuốc uống. Càng ngày, nốt ở tay Hương lớn dần, phát triển thành một khối u to. Thấy con ngày đêm than đau nhức, chị Hà và chồng gom tiền, dẫn con vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) khám. Kết quả mổ sinh thiết cho thấy đây là khối u sợi thần kinh, chị Hà điếng người, đứng lặng đi.
Liệu trình điều trị ban đầu các Bác sĩ chỉ định là xạ trị. Đặc thù công việc trong quân ngũ khiến chồng chị không thể đồng hành với hai mẹ con. Từ đó đều đặn nắng cũng như mưa, mỗi tháng hai mẹ con khăn gói vào TP HCM để khám và điều trị duy trì, dần dần tình hình của bé ổn định hơn.
Năm 2019, chị Hà sinh bé thứ hai, rơi vào tình trạng tiền sản giật - một tai biến sản khoa nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của thai phụ và thai nhi. Phải chuyển viện ba lần, bác sĩ tiên lượng "chỉ có thể cứu con". Lúc ấy, chị nhớ mình cứ mải miết niệm Phật, cầu xin được sống để chăm sóc hai con, cuối cùng may mắn thoát cửa tử.
Tuy nhiên sau đó chị Hà rơi vào trầm cảm sau sinh, do món nợ chất chồng của gia đình, áp lực khi thiếu vắng bàn tay đỡ đần của chồng, nỗi lo cho đứa con đầu bệnh tật, mệt mỏi khi con vừa sinh khó nuôi, đặt xuống giường là khóc, thất nghiệp vì cơ quan tinh giản biên chế, lương của chồng không đủ để lo chi phí sinh hoạt cho gia đình... Tất cả như đổ dồn lên đôi vai của người mẹ.
"Thời điểm ấy, tôi cứ trốn trong nhà vệ sinh, sợ gặp mặt người, sợ ánh sáng, trong đầu chỉ nghĩ đến chuyện làm sao để chết. Tôi luôn nghe thấy tiếng khóc của con trong đầu, nhiều lần tôi không kiểm soát được đã suýt quăng con xuống đất. Mỗi lúc tiêu cực, ám ảnh trỗi dậy, tôi trở nên cáu gắt, khó chịu, cứ đánh Quỳnh Hương miết. Con khóc tôi mới nhận ra được mình đang đánh con, đau lòng lắm, nhưng không biết làm sao để kìm chế được bản thân’’, chị Hà nhớ lại.
Một ngày, nghe tiếng khóc của các con, chị sực tỉnh: "Tôi tự hỏi rốt cuộc thì mình đang làm gì đây? Các con đâu có tội tình gì mà phải chịu đựng những điều tồi tệ như thế. Con lớn biết mẹ bệnh, chỉ dám khóc khi bị đánh mà không trách móc mẹ nửa lời. Còn mình, tại sao mình lại ra nông nổi thế này?". Chị Hà chạy vạy khắp nơi để chữa bệnh, tìm vào Nha Trang để mong điều trị dứt điểm. May thay, chị đáp ứng với thuốc và trầm cảm giảm dần sau khoảng một năm.
Nhưng khi bệnh mẹ vừa thuyên giảm thì sức khoẻ của con bắt đầu chuyển biến xấu. Tháng 12/2019, khối u của bé Hương trở nặng và phát triển nhanh. Gửi con nhỏ cho mẹ ruột, chị Hà vay mượn được 20 triệu đồng và cùng con vào bệnh viện Chấn thương chỉnh hình ở TP HCM. Ca phẫu thuật cho Hương kéo dài 9 tiếng, sau đó bác sĩ thông báo em cần chuyển sang bệnh viện Ung bướu để tiếp tục hoá trị vì đã ở gần giai đoạn cuối. Từ đó đến nay, số lần chị Hà gặp con nhỏ ở quê chỉ được đếm trên đầu ngón tay.
Mười tuổi, 3 lần trải qua phẫu thuật, 6 lần hoá trị và 28 tia xạ, Hương bảo mùi thuốc khử trùng ở viện quen thuộc với em hơn mùi mâm cơm có đủ đầy gia đình. Dù vậy, trong thời gian điều trị duy trì, mỗi đợt về quê, Hương vẫn cố gắng để được đi học. Khi không đến lớp đầy đủ, Hương hỏi thêm bạn bè và thầy cô để bù vào khoảng kiến thức thiếu hụt. Nhìn Hương cơ địa yếu, hay bệnh, hay mệt vì phải vào hoá chất, nhiều lần chị Hà xót con, khuyên con nghỉ thêm ít hôm rồi đến trường nhưng Hương nằng nặc đòi đi học.
"Con mới xin vào lớp học chữ tình thương của bệnh viện nhưng hiện tại phải học online vì dịch không vào lớp được. Con mong được hết bệnh, được về nhà gặp bố, gặp em, tóc mau dài để được đến trường đi học tiếp’’, cô bé 10 tuổi nói.
Trong mắt chị Hà, con gái lớn là một cô bé mạnh mẽ. Nôn ói, mệt mỏi, đau nhức khắp người khi truyền thuốc nhưng chưa một lần em rơi nước mắt. Mỗi lúc quá đau, em cắn chặt môi đến bật máu. Hương cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi, đếm từng toa thuốc, xé từng tờ lịch mong ngày trở về nhà. Nhìn con can đảm đối diện với bệnh tật, chị Hà như được tiếp thêm sức mạnh để đồng hành cùng con.
Ngoài thời gian điều trị ở viện, chị xin làm giúp việc nhà cho chủ trọ để được giảm 500.000 đồng mỗi tháng. Phần còn lại, chị vay mượn rồi xoay vòng trả nợ. Ước mơ của chị giờ là có sức khoẻ để chăm sóc cho con và hy vọng vào phép màu nào đó giúp Hương khoẻ mạnh trở lại và tiếp tục đến trường.
Bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy, khoa Ung bướu nhi, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết, khối bướu của Hương là bướu sợi ở cả cánh tay và cẳng tay. Lúc đầu bé được phẫu thuật để cắt khối bướu vì là lành tính. Sau 2-3 lần phẫu thuật, bướu chuyển dạng sang ác tính, biệt hoá theo hướng thần kinh.
Phác đồ điều trị ban đầu đưa ra cho Hương là hoá trị kết hợp với xạ trị. Hiện bé đã hoàn tất quá trình xạ trị và hoá trị, đáp ứng điều trị tốt. Tuy nhiên, u sợi thần kinh vẫn có những nguy cơ tái phát vì vậy cần phải theo dõi sát sao để có hướng xử lý kịp thời.
Chị Hà cho hay, do tay bé Hương đang có dịch sưng phù, men gan tăng cao nên tiếp tục điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa tại TP HCM. "Tôi mong sao tình hình con sớm cải thiện để hai mẹ con được về nhà. Đi mải miết, tôi sợ con nhỏ ở nhà quên mặt mẹ. Cả hai đứa đều thiệt thòi hơn so với những đứa trẻ khác. Nhưng hình như càng lớn lên trong nghịch cảnh, chúng lại càng mạnh mẽ hơn, chị Hà nói.
Tuệ Minh
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây.