Đó là mẹ Trần Thị Viễn ở thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Năm nay đã 94 tuổi, nhưng mẹ Viễn còn khá minh mẫn. Gặp khách, mẹ đon đả mời: "Các chú muốn tìm hiểu về việc vá cờ tổ quốc bên vĩ tuyến 17 thì cứ vào nhà uống ly nước, thong thả rồi mẹ kể cho, chuyện dài lắm”.
Mẹ Viễn sinh ra ở làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành (Vĩnh Linh). Những năm kháng chiến chống Pháp, mẹ cùng bà con hưởng ứng lời kêu gọi của cách mạng, đêm đêm cầm cuốc đi phá đường, ngăn không cho địch về làng lùng bắt bộ đội.
Sau Hiệp định Genève, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải trở thành ranh giới chia cắt hai miền đất nước. Theo hiệp định, tất cả đồn cảnh sát giới tuyến phải treo cờ hàng ngày. Mẹ bảo treo cờ là chuyện bình thường, song “đấu cờ” mới là chuyện quan trọng suốt 21 năm ròng, bởi “đấu cờ” là đấu tranh chính trị.
Mẹ Viễn kể lại những tháng ngày vá cờ bên bờ vĩ tuyến 17 giữa mưa bom bão đạn. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Lúc đầu, ở bờ Bắc, cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được treo trên một cây phi lao cao 12 m; ở bờ Nam, cờ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa được cắm lên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15 m. Sau đó, bờ Bắc tăng chiều cao của cờ lên 18 m, cờ được làm bằng vải sa tanh rộng 24 m. Chính quyền Ngô Đình Diệm ngay sau đó đã cho dựng một trụ cờ bằng xi măng cốt thép cao 30 m tại bờ Nam.
Tháng 7/1957, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gia công một cột cờ cao 34,5 m rồi vận chuyển từ Hà Nội vào và treo lá cờ rộng 108 m2. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau đó phải tôn cờ của mình lên 35 m, cao hơn phía bờ Bắc 0,5 m… Đến năm 1962, phía bờ Bắc lại gia công một cột cờ cao 38,6 m chuyển vào Hiền Lương, kéo lá cờ rộng 134 m2, tạo thành một chấm đỏ cao vút ở bờ Bắc.
Không thể dựng cờ cao hơn nên chính quyền Ngô Đình Diệm tìm cách phá cờ bằng việc huy động hàng trăm máy bay ném bom và hàng chục nghìn đạn pháo cỡ lớn từ Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn ra, từ Hạm đội 7 ngoài biển bắn vào…
Năm 1967, Mỹ ném bom đánh gãy cột cờ, lá cờ cũng bị phá hỏng. Để có cờ treo, bộ đội, công an cặm cụi vá cờ dựng lại. Bom đạn bắt đầu nổ nhiều hơn. Những lá cờ của hai bên bị đánh gãy, dựng lên không biết bao nhiêu lần.
“Thấy các anh vất vả chiến đấu, lại phải lo may vá cờ nên tôi và chị dâu Ngô Thị Diệm (người phụ nữ may cờ tổ quốc được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang) không di tản mà ở lại tình nguyện may cờ. Cờ luôn được treo lên, dù có nát thịt tan xương cũng phải lo giữ cho bằng được. Còn cờ, đất nước còn, mất cờ coi như mất nước”, mẹ Viễn kể. Huyền thoại về người vá cờ cũng được viết lên từ đó.
Bức ảnh chụp mẹ Viễn (bên phải) và mẹ Diệm vá cờ bên bờ Hiền Lương trong những năm chống Mỹ cứu nước (1967). Ảnh tư liệu. |
Ban đầu mẹ Viễn và mẹ Diệm dựng nhà chung trên một mảnh vườn ở thôn Hiền Lương để thuận tiện cho việc may vá cờ nhưng sau căn nhà bị bom đánh sập, hai mẹ phải đào hầm. Những lúc rảnh rỗi, hai mẹ lại cùng dân quân tăng gia sản xuất, chăm sóc thương binh và cùng bộ đội đi chặt gỗ dự trữ cột cờ.
Do phía bờ Nam liên tục đánh phá, cờ may bao nhiêu cũng không lại. Nhiều khi gãy hết cột cờ, dân quân ở bờ Bắc phải trèo lên cây cao để treo cờ tượng trưng cho nhân dân miền Nam nhìn thấy mà yên tâm. Vì thế, lá cờ phía bờ Bắc luôn là nỗi ám ảnh của Việt Nam Cộng hòa.
Nhớ lại cảm giác may vá cờ trong khoảng 3 năm chiến tranh ác liệt ở hai bên bờ giới tuyến, mẹ Viễn kể: “Với các mẹ vá cờ không phải là khó bởi đã quen với việc thêu thùa, nhưng khi mới ở lại bên bờ giới tuyến, bom đạn cứ ầm ầm bên tai. Nhiều khi đang tỉ mẩn vá những lỗ thủng do đạn bắn xuyên qua, địch bất ngờ thả bom, giật mình nên đâm cả kim vào tay”.
Giọng mẹ chùng xuống: “Để lá cờ được treo lên, không biết bao nhiêu đồng chí đã ngã xuống”. Mẹ Viễn quay lưng giấu vội những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo.
Thời gian gấp rút nhưng mỗi lần vá cờ, các mẹ luôn phải chú trọng vào vị trí ngôi sao năm cánh để lá cờ, dù có nhiều vết vá, vẫn giữ được phần hồn. Bởi với mẹ Viễn, vá lành ngôi sao cũng là gắn lành lại năm châu, thế giới không còn chiến tranh, con người không còn đối xử với nhau bằng bom đạn và sự hủy diệt.
Lá cờ tổ quốc bên cầu Hiền Lương, nơi lưu dấu lịch sử của dân tộc. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Đất nước hòa bình, cả mẹ Viễn và mẹ Diệm đều đã mất đi người chồng hy sinh cho độc lập của dân tộc. Trong ký ức của hai mẹ là những tháng năm sống cùng ngọn cờ tổ quốc bên bờ vĩ tuyến. Mẹ Diệm sau khi chết đã dặn dò con cháu chôn cất mình bên dòng Hiền Lương để ngày đêm được nhìn ngắm ngọn cờ.
Còn mẹ Viễn, khi về ở với con trai cả ở thị trấn Hồ Xá này lại chọn cách gắn mình với ngọn cờ tổ quốc: kể lại cho con cháu những câu chuyện về lá cờ bên bờ Hiền Lương. Năm 1999, mẹ vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huy chương kháng chiến. “Mẹ chỉ mong mình được sống lâu, có sức khỏe để còn kể lại những câu chuyện về lịch sử của dân tộc nơi vĩ tuyến 17”, mẹ tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Trá, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, cho biết, mẹ Trần Thị Viễn là một trong những nhân vật lịch sử của “chảo lửa” Quảng Trị trong những năm chiến tranh chống Mỹ. "Trên tinh thần tự nguyện, mẹ đã cùng bộ đội đào hầm, địa đạo và đặc biệt là có công lớn trong việc vá cờ bên bờ Hiền Lương, không chỉ vá một lần mà hàng trăm lần để lá cờ đỏ sao vàng luôn được giương cao bên bờ giới tuyến”, ông nói.
Văn Nguyễn