Hơn 10 năm qua, anh đã thực hiện hàng trăm chuyến đi rừng. Các vùng rừng rậm như Bi Doup - Núi Bà (Lâm Đồng), Núi Chúa (Ninh Thuận), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), hay các đảo xa bờ như Thổ Chu, Hòn Khoai... anh đều đặt chân đến, chỉ để tìm thằn lằn.
Với Ngô Văn Trí, thằn lằn có sức hút mãnh liệt khiến anh không dứt ra được. Khi có khách hỏi thăm bộ sưu tập thằn lằn, anh hào hứng đưa ra hơn 300 con, đủ các loại. Chỉ vào từng con, anh vừa giới thiệu con này được bắt ở rừng nào, trong chuyến đi năm nào, vừa kể về những kỷ niệm vất vả trong mỗi chuyến đi.
“Vua” thằn lằn Ngô Văn Trí bên những loài thằn lằn mới phát hiện. Ảnh: Người Lao Động. |
Chỉ vào con thằn lằn có 2 vết xước ở bên sườn, anh kể do một lần chui tận vào trong hang vừa sâu vừa tối, đá lại trơn nên anh bị trượt ngã. Chiếc máy ảnh trị giá cả nghìn USD anh ky cóp mua để chụp ảnh và quay phim thằn lằn bị tuột tay rơi vỡ, nhưng con thằn lằn vừa bắt được thì anh không rời ra. “Thế mà vẫn bị trầy hai vết”, anh tiếc rẻ.
Cho đến nay, anh đã khám phá và công bố 7 loài thằn lằn mới, trong đó có loài thằn lằn đá ngươi tròn, thằn lằn chân ngón giả sọc, thằn lằn chân ngón thuộc loài tắc kè Gekkonidae... được đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín như Herpetologica (tháng 2/2007), Zootaxa (tháng 2/2008), Hymadryad...
Để có được một bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, phải có một quá trình chuẩn bị cực kỳ công phu. Theo anh Trí, đầu tiên là quá trình đi tìm kiếm “đối tượng”. Những loài thằn lằn mới thường ở trong các khu rừng sâu, nơi ít có dấu chân người. Vì thế quá trình tìm kiếm là một hành trình gian nan và nguy hiểm.
Sau khi tìm được một loài thằn lằn, qua thẩm định bằng cảm quan để thấy được đây là loài mới thì phải “bắt mẫu” đem về chụp hình, soi kính hiển vi để đo các chỉ số như độ dài, màu sắc, màu mắt, ngón chân... Tổng cộng có loài phải đo đến 40 chỉ số như thế cho một bảng mô tả và so sánh với các tài liệu đã xuất bản trên thế giới để có thể xác định được đó là loài mới.
“Các tạp chí uy tín thường yêu cầu rất cao, đòi hỏi mình phải chuẩn bị thật công phu, phải vượt qua ít nhất 3 người phản biện kín là những chuyên gia lão luyện để bảo đảm tính chính xác, khoa học. Không những thế, họ còn yêu cầu mình tuân thủ nhiều quy định rất ngặt nghèo về quyền sở hữu trí tuệ, quyền công bố thông tin...”, Trí tâm sự.
Với mỗi bài báo được đăng và cung cấp miễn phí cho độc giả, tác giả phải trả 20 USD cho một trang báo. Kinh phí chuẩn bị hồ sơ, kinh phí cho mỗi lần đi rừng cũng đều do Trí bỏ tiền túi ra chi trả.
Với số lượng bài báo như thế, hiện nay, Trí là người VN có nhiều phát hiện về thằn lằn nhất. Thế nhưng, Trí bảo: “Vui nhất không phải là lúc được chấp nhận đăng bài trên tạp chí, mà là lúc mò mẫm trong rừng rậm, hang sâu, phát hiện loài thằn lằn mới. Mỗi lần như thế, cảm giác sung sướng cứ âm ỉ suốt mấy ngày”.
Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, Ngô Văn Trí tốt nghiệp lớp 12 thì ở nhà chăn bò, đi làm thợ nề, thợ xẻ gỗ. Hai năm sau, một người bạn biết Trí đam mê tìm hiểu về các loại động vật nên rủ đăng ký thi vào khoa sinh ĐH Tổng hợp Huế. Tốt nghiệp ĐH loại giỏi, Trí vào TP HCM và có thời gian làm cho Tổ chức Động thực vật hoang dã quốc tế - chương trình Đông Dương (FFI).
Duyên nợ với thằn lằn đến với anh trong một lần đi thực địa khảo sát động vật rừng, vô tình bắt gặp một con thằn lằn có hình dạng khác thường. Đột nhiên anh nảy ra ý định tìm hiểu về loài vật này. Tháng 1/2000, anh quyết định từ bỏ công việc với mức lương gần 1.000 USD để trở lại làm việc ở Viện Sinh học Nhiệt đới, bắt đầu tập trung nghiên cứu thằn lằn và “dính” vào loài vật này suốt từ đó tới giờ.
Trong hơn 10 năm “theo đuổi” thằn lằn, Trí đã không ít lần bị tai nạn nghề nghiệp. Đó là gần 10 lần bị sốt rét, 3 lần phải đi cấp cứu, 3 lần trôi sông và một lần suýt bị lâm tặc xô xuống thác nước vì bị lầm là nhà báo đi điều tra.
Có lần, trong một chuyến đi rừng anh bị ve bò đốt và bị sốt Dengue khiến chảy máu mũi, máu miệng, cộng với uống nhầm thuốc nên sau đó biến chứng thành ngộ độc gan kéo dài suốt 4 tuần tưởng không sống nổi. May mắn, sau đó anh gặp được thầy thuốc giỏi chữa khỏi. Vừa khỏi bệnh, anh lại vác balô đi tiếp, người nhà lo lắng cản không được, đành lắc đầu chịu thua vì “chắc anh mắc nợ con thằn lằn”.
(Theo Người Lao Động)