Nhìn thoáng qua chị Phạm Thị Tỉnh (39 tuổi, thôn Nội Lễ, Tiên Lữ) cũng như bao phụ nữ bình thường với dáng người đậm. Tuy nhiên, mỗi bước đi của chị nặng nề, thô cứng như chân giả, mà nguyên do bắt nguồn từ đôi chân to kềnh càng, gồ ghề như gốc cây cổ thụ.
Về tới nhà, chị ra ngay bể nước rửa chân. Khi chiếc quần đen - rộng tới mức đứa trẻ ba tuổi chui vừa - được kéo qua đầu gối, đôi bắp chân chân khổng lồ hiện ra. Trên đó là những mảng da xù xì, thô cứng, chỗ lại lùng bùng như chứa dịch và làn da loang lổ. Các ngón chân chen chúc nhau, gồ lên.
Chị lấy bàn chải cọ qua loa lòng bàn chân, dội đôi gáo nước là xong, trong khi từ phần cổ chân trở xuống vẫn bám bẩn. Chị nói không thể cọ thêm nữa, vì chỉ cần ngâm nước, kỳ cọ lâu một chút là đôi chân sưng tấy, phát sốt ngay.
"Cứ yếu một chút hay trái gió trở trời, lội phải nước bẩn, rửa chân nhiều là tôi bị sốt. Lúc đó, đôi chân tấy đỏ lên như gấc, sau vài ngày thì nó thay da mới như rắn. Mỗi tháng, tôi bị như vậy có khi đến 5, 6 lần", chị tâm sự.
Trong căn nhà tình thương mới được chính quyền sửa sang lại chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc tivi - cũng được các tổ chức từ thiện ủng hộ. Căn nhà tối thui, tivi cũng để đấy làm "cảnh", chứ chẳng mấy khi bật, vì sợ tốn điện. Dù thế, chị Tỉnh thấy may lắm rồi, bởi mới nửa năm trước ba mẹ con còn sống trong căn nhà lấy ánh sáng lọt qua mái ngói để sinh hoạt.
Sinh ra hoàn toàn bình thường, năm 18 tuổi, chị Tỉnh cũng có người để ý. Không ngờ sau một tai nạn ngã xe đạp, chị bị một vết thương ở bàn chân. Không mấy để ý, cô gái trẻ vẫn phăm phăm lội bùn, cho đến ngày phát hiện bệnh lạ, hai chân từ đầu gối trở xuống dần phình to lên.
"Hai chân sưng tấy, nóng như bị nung lửa, rồi biến dạng, to ra trông thấy. Gia đình đưa tôi đi bệnh viện huyện, nhưng các bác sĩ không xác định được bệnh. Mãi sau này lên Hà Nội, trên đó chẩn đoán tôi bị là bệnh giun chỉ phù voi", chị cho biết.
Là con cả trong nhà đông con, bố mẹ làm nông không có tiền, nên chị Tỉnh chỉ được đi lấy thuốc hàng tháng uống cầm cự. Cho đến khi lấy chồng năm 28 tuổi, chị không có tiền mua thuốc uống nữa. Nhà có sổ hộ nghèo, nên hàng tháng chị lên huyện xin được mấy viên phong thấp. Cũng vì không có thuốc đặc trị mà những năm qua đôi chân không ngừng lớn lên.
Lấy phải người chồng mê rượu chè, lười lao động, đời chị Tỉnh đã khổ, càng khổ hơn. Tháng 8/2012, chị đang đếm từng ngày sinh con thứ hai thì chồng đột ngột qua đời. "Sau đám tang anh ấy, tôi còn đúng 800 nghìn. 12 ngày sau thì tôi sinh con thứ hai", chị kể. Cơm cúng ở quê người ta kiêng, không ăn, nhưng chị Tình đành phải nuốt vì nếu không sẽ chết đói.
Những năm sau đó, trong căn nhà xiêu vẹo, ba mẹ con chị sống dựa vào nhau. Vì đôi chân này chị không thể lội ruộng. Nghề nghiệp duy nhất là thông tâm sen, 5.000 đồng một cân, mỗi ngày chị làm được 8.000 - 10.000 đồng. Không có điều kiện ăn uống, chăm sóc nên cả hai con của chị rất hay bị bệnh. "Nhiều lần con sốt, mẹ sốt, đi không nổi tôi cũng phải lê dậy tới bà con xóm giềng xin bát cơm cho con ăn", người mẹ nói.
Với cô bé Nguyễn Thị Kim Anh, con gái đầu của chị Tỉnh, những ngày mẹ ốm thực sự đáng sợ. Mẹ sai gì, em làm nấy. Lúc thì chạy đi mua thuốc, mua chịu mì tôm hay sang hàng xóm xin cơm cho em út. "Mẹ hay ốm lắm. Mỗi lần mẹ ốm, em sợ mẹ bị chết lắm", cô bé 10 tuổi đỏ hoe mắt chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Mạnh - trưởng thôn Nội Lễ - cho biết: "Ở xã này, hoàn cảnh của chị Tỉnh thuộc diện khó khăn nhất. Chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện cho mẹ con chị bớt khổ. Ngoài vừa đóng góp làm cho chị ngôi nhà này, chị Tỉnh cũng được hưởng vài trăm nghìn trợ cấp mẹ đơn thân nuôi con".
Mấy hôm nay, trong làng có nhà nhập nhãn Thái Lan về làm long. Chị Tỉnh vui lắm. Chị dậy từ sáng sớm chuẩn bị cơm, dưa rồi đèo hai con đến lò long nhãn từ khi còn chưa mở cửa. Mỗi ngày ba mẹ con chị đi xoáy long cũng thu được 50-60 nghìn, gấp 6 lần so với thông tâm sen. Chị nhủ lòng, cố gắng làm ngày khỏe, kẻo nay mai đôi chân phát sốt lại phải nằm liệt chưa biết lúc nào mới đi làm được...
Bệnh phù chân voi (hay còn gọi là bệnh giun chỉ) tập trung nhiều ở các tỉnh miền Bắc nước ta, chủ yếu ở vùng trồng lúa nước như Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên. Bệnh phù chân voi nếu phát hiện ở giai đoạn đầu thì điều trị bằng thuốc diệt giun có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, do biểu hiện không rõ ràng nên bệnh khó được phát hiện thời gian đầu. Đến khi thành chứng phù chân voi sẽ gây khó khăn điều trị, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe mà còn cả thẩm mỹ của người bệnh. |
Phan Dương