Căn phòng mà mẹ con chị Nguyễn Thị Bé đang ở nhờ nằm trong khu dân cư thoáng mát và yên tĩnh tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM. Hơn hai tháng nay, kể từ ngày sinh con hôm 15/3, chị Bé chẳng nhớ nổi có đêm nào được ngủ thực sự.
Cứ hai giờ một lần, chị lần lượt cho 4 con sinh tư bú, rồi thay tã, tắm rửa, ấp da kề da. Vừa đặt cậu cả đã díp mắt, bụng căng xuống, người mẹ 30 tuổi tranh thủ đi rửa bình, rã đông sữa mẹ xin được. Đang dở tay, nghe tiếng con gái thứ tư ọ ẹ, chị lại vội vàng đến ôm vào lòng vỗ về.
Bộ tứ 2 trai 2 gái được đặt tên là Trần Quang Minh, Trần Hồng Vân, Trần Đình Quang Vinh và Trần Thúy Vy, với ý nghĩa, những đứa trẻ của trời cho, khỏe mạnh và có tương lai tươi sáng. Các bé hiện nặng gấp đôi so với lúc mới chào đời. Bé đầu hiện nặng 2,4 kg, bé thứ hai 2,3 kg, hai bé còn lại 2 kg. Chỉ có cậu hai là hay ngọ nguậy, khóc nhè, 3 bé còn lại cứ bú no, tắm mát là say ngủ.
Dù được cả mẹ chồng và mẹ đẻ từ quê vào Sài Gòn chăm cháu giúp, nhưng chị Bé không còn chút thời gian nào cho bản thân. Ăn cơm chan canh để không phải nhai lâu, mái tóc đen dài phải cắt ngắn để không mất thời gian tắm gội. Đồ dùng của con chị không dám cất vào tủ, mà để khắp giường cho tiện dùng.
“Từ ngày được đón con từ lồng ấp về, tôi chỉ dám ngủ ngồi. Cứ tranh thủ lúc bế hay cho con bú là tôi nhắm mắt một lúc. Có khi đang ngon giấc, nghe tiếng oe oe, tôi cứ nghĩ mình đang mơ. Giật mình tỉnh dậy thì con đang lọt thỏm trong tay”, đôi mắt thâm quầng, chị Bé cho biết.
Chị Bé từng làm kế toán cho một doanh nghiệp ở Nghệ An. Sau đám cưới vào năm 2014 với anh Quang, làm ở công ty lắp đặt ống nước, anh chị tập trung vào làm kinh tế. Họ không nghĩ tới việc mình sẽ sinh con ngay, nhất là lại mang bầu tới 4 bé hoàn toàn tự nhiên, 4 phôi đơn.
Chưa kịp vui mừng vì được làm mẹ, chị Bé nhận được lời khuyên của bác sĩ là nên giảm thiểu phôi thai, vì giữ lại tất cả sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và con. Mang nỗi lo đi nhiều nơi, anh chị đều được cảnh báo như vậy: Chỉ nên giữ lại 1-2 bé.
Vừa lo lắng, vừa không muốn bỏ, anh Quang cứ một tuần lại đưa vợ đi siêu âm để xem sự phát triển của con ra sao. Lần nào cũng thế, cũng là lời khuyên: Mang đa thai phôi đơn sẽ không đủ nước ối, em bé không được nuôi dưỡng khỏe mạnh, chưa kể tử cung của mẹ căng và có nguy cơ băng huyết cao. Anh Quang và mọi người trong gia đình đều khuyên chị Bé nghe theo lời bác sĩ. Nhưng người mẹ ấy quyết tâm đối mặt với nguy hiểm để giữ con.
“Con là của trời cho. Khi nó đã quyết định đến với mình thì khó khăn thế nào cũng ở”, chị Bé nói và quyết định nghỉ việc ở nhà dưỡng thai.
May mắn thay, suốt thai kỳ chị không bị nghén, mà ăn gì cũng được. Chị chỉ dám nằm một chỗ vì sợ đi lại nguy hiểm, không cho phép bản thân nghĩ tới những điều tiêu cực, mà sưu tầm những câu chuyện cười, các bản nhạc vui, các bộ phim hài hước để xem. Chị cũng lên mạng, tìm hiểu thông tin về các trường hợp tương tự và lựa chọn bệnh viện nhờ can thiệp.
Thương vợ, anh Quang tranh làm hết việc nhà, mua nhiều đồ ăn tẩm bổ, luôn vui vẻ để chị có tâm trạng tốt. Đêm đến, anh chẳng dám ngủ say, vì sợ chị bị chuột rút, thai hành sẽ không ai hỗ trợ. Hai bên gia đình thay phiên nhau hỗ trợ vợ chồng trẻ công việc nhà, mua đồ tẩm bổ cho chị.
Thai ở tháng thứ 6, chị Bé đã thấy ì ạch, khó thở. “Mấy anh em nó cứ thay phiên nhau cử động không nghỉ, làm bụng tôi lúc nào cũng trong tư thế méo xẹo. Nhiều khi đau nhăn hết cả mặt, nhưng lại thấy vui, vì biết con đang khỏe mạnh”, chị Bé kể lại.
Cuối cùng, họ quyết định chọn Bệnh viện Từ Dũ, vì nơi đây từng can thiệp thành công nhiều ca tương tự. Ở tuần thứ 29, chị bé cùng chồng mang hành lý vượt gần 1.500km vào Sài Gòn chờ ngày con chào đời. “Vào đến nơi, tôi thấy khỏe re, đi chơi hết nơi này đến nơi khác. Nhưng bước qua tuần 30 thì nước ối bị rỉ, bác sĩ nói, một bé đã quay đầu rồi, phải mổ”, chị Bé nhớ lại.
Do sinh thiếu tháng nên cả bốn em bé đều bị viêm phổi, viêm ruột, thiếu máu, vàng da phải nằm lồng ấp một tháng mới được về và phải ở lại TP HCM để tiện theo dõi và thăm khám. “Nói thật, dù có cả bà nội và bà ngoại vào phụ giúp nhưng cả ngày chúng tôi làm không hết việc. Cứ đứa này ngủ thì đứa khác ngọ nguậy. Cho đứa này uống sữa thì đứa kia nằm khóc”, chị Bé nói.
Chỉ được ở bên vợ con hơn hai tuần, anh Quang phải về tiếp tục công việc. Cứ 2-3 tuần, anh lại thu xếp vào thăm vợ con. “Có anh ấy thì bốn người ấp da bốn đứa. Anh ấy về rồi, ấp đứa này, nhìn đứa kia nằm một mình, thương lắm”, chị Bé tâm sự.
Thấy bốn đứa trẻ bé xíu phải ở trong căn phòng trọ chật chội, chị Thái, hàng xóm của chị Bé đã cho họ ở nhờ và liên hệ với các nơi xin sữa mẹ cho các bé.
Chị Bé cho biết, do hiện nay, các bé còn nhỏ, đang uống sữa mẹ xin được nên chi phí cũng đỡ hơn. Thời gian tới, khi đưa con về quê, với thu nhập 10 triệu/tháng của anh Quang sẽ vô cùng khó khăn, nhưng vợ chồng chị sẽ gắng để cho con một cuộc sống tốt.
Bác sĩ Trần Nhật Thiên Trang, Bệnh viện Từ Dũ, người phụ trách ca mổ cho biết, trường hợp sinh tư do thụ thai tự nhiên như chị Bé cực kỳ hiếm gặp, 700.000 trường hợp mới có một ca. Trước đó, nước ta đã có hai ca sinh tư tự nhiên được can thiệp thành công. Thông thường các em bé đa thai sẽ sinh non, vì thế phải theo dõi đặc biệt và kiểm tra các bệnh liên quan đến tim, phổi và các bộ phận khác.
Phan Thân