Ngồi một góc riêng trong hội trường diễn ra Lễ tri ân các gia đình có người hiến tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chiều 30/12, bà Nguyễn Thị Lừng ở Bắc Giang, rơi nước mắt khi nói về người con trai duy nhất của mình. 18 năm qua, bà một thân một mình lặng lẽ nuôi con, không ngờ ngày 12/12 con trai đột ngột rời khỏi vòng tay mẹ mãi mãi.
"Tôi chỉ muốn chết theo con", bà Lừng nhớ lại.
Nửa tháng trước, trên đường đi làm về, con trai bà không may gặp tai nạn. Một tuần nằm viện phẫu thuật, mọi hy vọng dần thành vô vọng. Bác sĩ nói con trai bà không thể qua khỏi, và hỏi: "Bà có muốn hiến tạng con trai mình để cứu những người khác không?". Người mẹ vật vã suốt đêm, rồi quyết định hiến toàn bộ nội tạng con.
"Mất con, tôi đau. Các bà mẹ khác cũng sẽ đau khi con họ không thể được cứu sống. Tôi muốn một phần của con mình được tiếp tục sống và người mẹ khác giữ được nụ cười của mình. Con chúng tôi vẫn còn tồn tại trên cuộc đời này", bà Lừng nói.
18 ngày qua, bà Lừng không ngừng thương nhớ con trai, nhưng bà không kỳ vọng người được ghép tạng của con bà biết về bà. "Tôi không mong họ biết tôi là ai. Tôi chỉ biết trái tim con mình đã hiến đang đập trong ngực người khác khỏe mạnh là mãn nguyện", bà Lừng chia sẻ.
Ngồi bên cạnh bà Lừng là chị Nguyễn Thị Huyền ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Chị đã vượt qua mọi định kiến để hiến tạng chồng, cứu nhiều người khác. Anh Mạnh, chồng của chị, rời bỏ chị và bốn đứa con hơn 100 ngày trước. Ngày anh tử nạn vào cuối tháng 7, hai con trai sinh đôi mới 15 tháng tuổi.
Tin nhắn cuối cùng anh để lại cho vợ vẻn vẹn dòng "anh có tiền 2/9, tối về anh cho vợ tiền". Nhưng anh không về nữa. "Tôi ân hận nhất là anh gọi nhiều cuộc điện thoại nhưng vì con ốm, tôi không thể nghe được. Cuộc gọi nhỡ cuối cùng 10 giờ đêm", chị Huyền kể.
11 giờ đêm 25/7, chị đã ngất khi nghe tin chồng mình tai nạn ở gần nhà và không thể qua khỏi. Hai đứa con ốm đau, chị đang chuẩn bị sẵn túi để đưa con đi viện. Nén nỗi đau, hôm sau chị lần lượt đưa hai con vào viện để điều trị viêm đường hô hấp. Mọi việc tại Bệnh viện Việt Đức, nơi anh đang nằm, chị gái chị đứng ra lo liệu.
"Tôi chỉ mong được nhìn thấy trái tim của chồng còn sống, mong được gặp những người đang mang một phần cơ thể chồng mình khỏe mạnh, để con tôi được cảm nhận bố còn sống", chị Huyền nghẹn ngào nói.
Chị Nguyễn Thị Hương ở Bắc Giang, là một trong số không nhiều những ông bố, bà mẹ tại lễ tri ân được gặp lại người đã nhận tạng hiến từ con mình. Hai tháng trước, chị như sống lại khi biết tin tim và phổi cậu con trai 19 tuổi của mình vẫn đang khỏe mạnh trong cơ thể người khác. Chị gặp được một người nhận tạng con mình và không ngừng dặn dò "cháu hãy sống thật tốt, sống cho mình và phải sống tiếp cho em nữa".
Bà Lừng, chị Huyền, chị Hương là ba trong 22 gia đình có người thân hiến tạng mà Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tri ân, ngày cuối năm 2020.
Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gửi lời tri ân tới thân nhân người hiến tạng. "Cho đi là còn mãi", đó là câu nói đẹp đẽ đúng với những hành động cao cả của những người mẹ, người cha, người vợ... khi quyết định hiến tạng người thân của mình cho sự sống của nhiều người khác.
Ông Giang cho biết, trong hàng chục năm qua, tại Bệnh viện Việt Đức, 1.100 người được ghép thận, 90 ca ghép gan, 34 người ghép tim và năm người được ghép phổi. Hầu hết người nhận tạng ghép đều đang sống khỏe mạnh. Trong năm qua, hơn 20 gia đình đồng ý hiến tạng người thân của mình để cứu người khác.
"Nếu không có tạng hiến thì những kỹ thuật ghép tạng có hiện đại đến đâu cũng không thể thực hiện được", ông Giang nói.