Trung bình mỗi ngày chị Quyên vắt trữ được khoảng một lít sữa. Đủ 8 lít, chị báo cho nhân viên ngân hàng sữa mẹ ở Bệnh viện Từ Dũ đến tiếp nhận một lần. Sáu tháng qua, tổng cộng bà mẹ một con này hiến 172 lít sữa vào ngân hàng, giúp bệnh viện nuôi sống các em bé sinh non mồ côi, nghèo khó... đang điều trị tại viện.
"May mắn là cơ địa của tôi nhiều sữa, em bé nhà tôi bú xong dư rất nhiều nên thuận lợi để vắt hiến cho ngân hàng", chị Quyên chia sẻ. Bà mẹ cũng ngại ngùng cười: "Tôi chả có bí quyết gì để nhiều sữa cả".
Người phụ nữ này hiện là "bà mẹ hiến nhiều sữa nhất cho ngân hàng sữa mẹ", kể từ khi ngân hàng được thành lập vào tháng 4. Lúc đó, chị Quyên đang ở cữ tháng thứ 2 sau khi sinh con. Chị chủ động liên hệ với ngân hàng sữa mẹ để đề nghị được hiến.
"Nhân viên ngân hàng sữa hỏi nhiều thông tin sàng lọc, yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chứng tỏ không nhiễm HIV, viêm gan B, C, giang mai... Do vừa sinh mổ bé nên tôi có sẵn các kết quả xét nghiệm này", chị Quyên nhớ lại.
Sáng 12/11, chị Đỗ Phượng Quyên cùng chồng bế con gái 8 tháng tuổi đến Bệnh viện Từ Dũ tổng kết 6 tháng thành lập ngân hàng sữa mẹ.
Anh Nguyễn Hữu Tiến 39 tuổi, chồng chị Quyên cho biết luôn ủng hộ vợ vắt sữa hiến để giúp trẻ sinh non, trẻ mắc bệnh lý cần sữa mẹ. Ngoài động viên vợ, anh còn phụ giúp vệ sinh dụng cụ vắt, lưu trữ sữa. Vợ chồng anh vừa tặng một tủ sữa trữ đông cho Bệnh viện Từ Dũ.
Ngoài chị Quyên, chị Nguyễn Thanh Tâm là người hiến tặng sữa nhiều thứ hai với 142 lít. Chị Tâm cho rằng mỗi phụ nữ chỉ được một vài lần trong cuộc đời có cơ hội sinh con và tặng sữa mẹ. Ngày 16/3, khi sinh bé thứ hai, chị Tâm được các cô điều dưỡng trong phòng chờ sinh chia sẻ về ngân hàng sữa mẹ sắp hoạt động. Chị không chần chừ đăng ký vào danh sách hiến tặng.
Ban đầu chị Tâm định góp sữa cho các hội nhóm trên mạng, giúp trẻ sơ sinh thiếu sữa mẹ. Khi biết ngân hàng sữa mẹ thành lập, chị yên tâm chọn hiến nơi đây vì sữa được sàng lọc, thông qua thanh trùng nên đảm bảo chất lượng cho các bé khi sử dụng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết sau 6 tháng hoạt động, ngân hàng sữa mẹ vận động được 135 bà mẹ hiến tặng, trong đó 120 bà mẹ đủ điều kiện hiến hơn 2.000 lít sữa trong thời gian họ nuôi con nhỏ. Bên cạnh các bà mẹ chăm con sinh non đang điều trị tại viện hiến tặng, nhiều bà mẹ ở ngoài cộng đồng cũng chủ động gửi sữa vào ngân hàng.
Ngân hàng sữa mẹ chạy 235 lượt thanh trùng sữa, trung bình hai lượt mỗi ngày và 6 ngày trong tuần mới đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Tổng cộng 2.768 trẻ sơ sinh đã được dùng sữa mẹ thanh trùng. Nhiều trường hợp được miễn phí vì gia đình nghèo, mẹ bệnh nặng hoặc mẹ tử vong, một trường hợp mẹ là người Campuchia, gia đình khó khăn.
Ngân hàng sàng lọc và tuyển chọn sữa mẹ hiến tặng theo quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho các bé. Sau khi thu nhận, vận chuyển về ngân hàng, sữa mẹ được thanh trùng, xét nghiệm, bảo quản an toàn trước khi cho trẻ bú.
Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết ngân hàng sữa mẹ đã giúp cứu sống nhiều trẻ sinh non. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cực non và non tháng của bệnh viện được cải thiện từ khi tất cả bé được sử dụng sữa từ mẹ ruột hoặc sữa mẹ thanh trùng do ngân hàng cung cấp, không còn dùng sữa công thức. Tỷ lệ tử vong của nhóm trẻ cực non dưới 28 tuần tuổi thai đã giảm khoảng 20% so với trước khi có ngân hàng sữa mẹ.
Đối với trẻ sinh non, trẻ sơ sinh bệnh lý, thể trạng yếu ớt, sữa mẹ không đơn thuần là dinh dưỡng mà có ý nghĩa sống còn. Nếu không được dùng sữa mẹ, những em bé này dễ bị viêm ruột hoại tử, sức đề kháng yếu, ảnh hưởng tính mạng...
Ngân hàng sữa mẹ ở Bệnh viện Từ Dũ đang mở rộng mạng lưới để năm 2020 có thể cung cấp sữa mẹ thanh trùng cho trẻ sơ sinh bệnh nặng đang điều trị tại ba bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP HCM. Sáng 12/11, Bệnh viện Từ Dũ ký kết hợp tác với Bệnh viện Quốc tế Phương Châu để cơ sở này trở thành mạng lưới của ngân hàng sữa mẹ, giúp các bà mẹ khu vực đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện hiến tặng sữa.