Đằng sau cặp kính râm, Cyrus Habib, 38 tuổi cố gắng lục lọi trí nhớ tìm ra một chính trị gia mù như mình. Vị này từng phục vụ trong Thượng viện Mỹ thế kỷ trước, là ông nội nhà viết kịch nổi tiếng Gore Vidal. Suy nghĩ mãi, Habib vẫn không nhớ tên, cuối cùng anh đầu hàng: Hãy để tôi tìm ông ấy.
Mở chiếc laptop, Habib chỉ mất 23 giây đã tìm ra tổng quan tiểu sử người mình đang tìm, đó là cựu Thượng nghị sĩ bang Oklahoma, ông Thomas Gore. "Có một bức ảnh Thomas năm 1908. Ông ấy trông như thế nào?", Habib hỏi người đối diện.
Nhưng chẳng để người kia trả lời, Habib nửa đùa nửa thật, rằng anh tưởng tượng mọi người vẫn trông giống Cyndi Lauper và Boy George - những người nổi tiếng từ lần cuối Habib có thể nhìn thấy.
Khi mới 4 tháng tuổi, Habib bị chẩn đoán mắc một dạng ung thư võng mạc hiếm gặp. Phần lớn thời thơ ấu của Habib trải qua các đợt hoá trị mệt mỏi. Đến năm 8 tuổi, Habib mất thị lực hoàn toàn.
Bố mẹ của Habib - Susan Amini và Mo Habib - là người gốc Iran. Ông Mo Habib là kỹ sư làm việc tại Boeing, còn bà Amini hiện là thẩm phán Tòa án Tối cao quận King, tiểu bang Washington. Cả hai vợ chồng đều có tư tưởng cởi mở nên có lẽ họ không bi quan với khuyết tật của con trai.
Một ngày năm Habib học lớp 3, cậu bé Habib về kể với mẹ muốn được ra sân chơi trong rừng như các bạn, nhưng giáo viên lại lo sợ gặp nguy hiểm nên không cho cậu ra ngoài.
Ngay chiều tối hôm đó, người mẹ, khi ấy là luật sư tới nói với hiệu trưởng sẽ đưa con trai đến trường vào cuối tuần, sẽ dẫn con đi khắp sân và dạy con cách đi lại. Habib sẽ học theo cách khác nhưng vẫn phải học như bất cứ đứa trẻ nào trong trường.
"Bà biết đấy, có thể cháu sẽ trượt ngã, thậm chí cháu có thể gãy tay, gãy chân. Đó là nỗi sợ với bất cứ người mẹ nào. Tôi có thể chữa cánh tay bị gãy. Nhưng tôi không bao giờ có thể sửa một tinh thần bị hỏng", mẹ Habib nói.
Ngày hôm ấy người mẹ đã dạy cho Habib bài học: biện hộ cho chính mình. Sau đó, hai mẹ con đã dành buổi tối và những ngày cuối tuần để làm quen sân chơi, bao gồm những cách định vị sân thể dục trong rừng, đánh dấu vị trí một số gốc cây, đếm các bậc thang... Chẳng mấy chốc Habib đã có thể tự chơi như bao bạn bè khác.
"Khi tôi đi đón con, con luôn là người đứng đầu mọi thứ", bà Susan Amini nói.
Lớn lên ở Bellevue, sân nhà của tập đoàn Microsoft, nơi cho phép Habib có cơ hội tiếp cận công nghệ hiện tại, giúp cuộc sống người mù thuận tiện hơn. Habib học cách sử dụng gậy đi bộ của người mù, chữ nổi, các phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói... Cậu xuất sắc tốt nghiệp đại học Columbia, thạc sĩ Oxford, Đại học Luật Yale, có đai đen karate, nghệ sĩ piano...
Sau khi tốt nghiệp Yale, Habib trở về Washington và bắt đầu hành nghề luật sư tại công ty luật lớn nhất khu vực là Perkins Coie. Từ năm 2013, Habib là giáo sư và nhà lập pháp nổi tiếng tại Trường Luật Đại học Seattle.
Cyrus Habib tham gia vào Hạ viện năm 2012, Thượng viện năm 2014. Tới tháng 11/2016, anh được bầu làm Phó Thống đốc Washington, đánh bại một số Thượng nghị sĩ dày dạn kinh nghiệm. Năm đó Habib mới 35 tuổi.
Habib cũng là tác giả của một số luật liên quan đến công nghệ và nền kinh tế đổi mới mang lại nhiều quyền lợi cho người dân.
Khi được hỏi người ảnh hưởng nhất cuộc đời, Cyrus Habib thường nghĩ tới mẹ đầu tiên. Hôm nay anh suy nghĩ lạc quan về khuyết tật của mình, rằng bị mù năm 8 tuổi là lý tưởng để anh lưu giữ những hình ảnh về thế giới xung quanh nhưng cũng đủ bé để thích nghi.
"Đúng là tôi sống sót sau 3 lần điều trị ung thư, bị mù hoàn toàn, là người nhập cư. Nhưng tôi cũng lớn lên, đi học ở thành phố Bellevue - một trong những nơi giàu có nhất nước Mỹ - nơi tôi sống và đi học cách nhà của Bill Gates và Jeff Bezos chỉ hơn một km", Phó Thống đốc bang Washington nói.
Bây giờ, điều Cyrus Habib muốn là đảm bảo mọi người đều có cơ hội thành công.
Bảo Nhiên (Theo Wenatcheewworld, Seattletimes)