Chủ nhật, 12/1/2025
Thứ ba, 22/10/2019, 09:47 (GMT+7)

Người mẹ gần 15 năm bế con đi học

TP HCMCon gái vào đại học, bà Lương Thị Phước, 57 tuổi, cũng khăn gói vào thành phố, đưa đón con lên giảng đường mỗi ngày.

Gần 15 năm, bà Lương Thị Phước (quê ở huyện Phù Mỹ, Bình Định) đều đưa đón con gái Nguyễn Lương Phương Thủy đến trường.

Thủy, 19 tuổi, bị khuyết tật chân từ nhỏ và đang là sinh viên năm 2, Khoa Công nghệ Thông tin, ĐH Khoa hoc Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP HCM. 

"Thủy biết đi sớm lắm, mới 10 tháng tuổi đã chập chững từng bước. Vậy mà chỉ vài tháng, con bé đã không còn đứng được trên đôi chân của mình", bà Phước kể, mắt đỏ hoe nhớ về tuổi thơ của con.

19 tháng tuổi, con gái không may bị ngộ độc thuốc tiêm ngừa. Mũi tiêm khiến con sốt cao, co giật, co quắp toàn thân, phần chân biến dạng, bà Phước phải đưa con gái ra Hà Nội mới có thể cứu sống. Từ đó, đôi chân Thuỷ không còn bước đi được nữa. Gia đình bà đã bán hết nhà cửa, ruộng vườn để đưa con chạy chữa khắp nơi, từ Đà Nẵng đến Quy Nhơn, rồi TP HCM. Nợ chồng nợ, cha Thủy lên Tây Nguyên làm thuê, mẹ ở quê làm công nhân, trồng lúa, hái đậu... chỉ mong con đi lại bình thường.

Từ khi Thủy đi học, dù mưa nắng bà đều bế con lên xe đạp đến trường, cách nhà 2 km ở quê. Từ cổng trường, bàn tay bà khẽ luồn vào chân, một tay đặt vào lưng con, chậm rãi từng bước lên cầu thang đến lớp.

Bà nhớ có đợt Thủy thi học sinh giỏi, phòng ở tận tầng 9, cứ leo vài bước hai mẹ con phải ngồi bậc thang nghỉ. Tay mỏi nhừ nhưng bà vẫn ráng bế chặt, cố tỏ ra bình thản để con yên tâm.

"Thủy nặng 25 kg nên sức tôi chỉ bế con cố lắm đền tầng ba là phải nghỉ", người mẹ nói.

Năm 2018, con gái đậu đại học ở Sài Gòn, bà Phước thuê phòng trọ ngay trường để tiện bế con lên giảng đường.

Trong suốt hai năm qua, bà Phước là "đôi chân" cho Thủy đi học hai cơ sở của trường ở quận 5 và Thủ Đức, tham gia các hoạt động ngoại khóa, đi phỏng vấn xin học bổng...

Thủy đến giảng đường với hành trang 12 năm liền học sinh giỏi, thành viên đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh.

Ngay từ năm cấp 2, Thủy đã hướng bản thân theo học công nghệ thông tin. "Không còn cách nào khác ngoài việc phải tiếp tục học và đây là ngành phù hợp với tôi. Tôi sẽ cố gắng có thể làm việc tốt và nuôi sống bản thân. Tôi không muốn mẹ lo lắng nhiều về mình", cô sinh viên chia sẻ.

Căn phòng trọ của mẹ con Thủy ngay cạnh trường, rộng khoảng 10 m2, giá thuê hơn triệu đồng. Khi Thủy đi học, bà Phước hầu như ở trong căn phòng chờ đưa đón con gái.

Tối đến, bà Phước làm bánh bèo, nấu xôi để bán. Bà cho biết, từ khi con nhập học, bà đi phụ quán cơm, cà phê, cửa hàng... để kiếm tiền trang trải sinh hoạt, tiền thuê nhà và học phí của con gái.

Xe xôi, bánh bèo của bà Phước ở đối diện cổng trường. Đến 7h, bà lại gửi xe nhờ trông giùm rồi đẩy xe lăn bế con đi học.

"Tôi mới bán mấy tháng nay, thu nhập ổn hơn mấy việc kia lại được gần con. Ngày nào bán hết hàng thì cũng kiếm được 200.000 đồng", bà Phước nói.

Tình mẫu tử của bà Phước, nghị lực của Thủy khiến nhiều bạn bè trong lớp đại học cảm phục. Khi rảnh, những người bạn Thủy thường vào phòng trọ, ẵm cô lên giảng đường rồi lại đưa về.

"Nhìn mẹ Thủy tảo tần lo cho con nên chúng em muốn giúp đỡ một phần cho bà đỡ cực. Thủy rất thân thiện, chịu khó học tập, năng nổ trong hoạt động của lớp", Bùi Cẩm Ly nói

Mỗi khi rảnh, bà Phước thường đẩy xe lăn đưa con đi dạo trong khuôn viên trường. Đây cũng là chiếc xe lăn đầu tiên của Thủy, do một Viêt kiều tặng khi cô còn học lớp 7 ở quê.

"Mẹ hay trò chuyện, kể những chuyện vui cho tôi yêu đời. Ra trường, tôi sẽ cố có công việc tốt để sắm cho mẹ quần áo. Mẹ thường hay tiếc tiền nên không chăm chút gì cho bản thân. Tôi cũng sẽ đưa mẹ đi du lịch nhiều nơi để tận hưởng cuộc sống", Thủy chia sẻ.

Quỳnh Trần