Ngày 15/5, thông tư số 01 năm 2016 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định việc thi hành Nghị định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu... sẽ có hiệu lực.
Theo đó, ở điều thứ ba, khoản một, điểm a của thông tư nêu quy định cấm người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu "chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông".
Nhiều người trong giới mẫu, nghệ sĩ trình diễn và người có thâm niên trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thời trang bày tỏ thắc mắc, sự chưa thỏa mãn về quy định mới.
MC Bùi Thúy Hạnh cho rằng đọc quy định cảm giác đầu tiên của chị là cơ quan chức năng đang "quản lý không được thì cấm đã". Theo cựu người mẫu, không thể phủ nhận hiện nay làng giải trí, biểu diễn nghệ thuật, thời trang trong nước có tình trạng bát nháo, loạn thi nhan sắc, người đẹp. Đồng thời, không ít người cố ý khoe thân để nổi tiếng. Vì vậy, việc cơ quan chức năng giám sát, ban hành quy định mới để chấn chỉnh bầu không khí chung là điều dễ hiểu. Nhìn theo góc độ này, quy định của Bộ là lời nhắc nhở, cảnh báo các nghệ sĩ trình diễn, người mẫu, người đẹp đoạt danh hiệu nói chung ý thức giữ gìn hình ảnh cá nhân, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân.
Tuy nhiên, Thúy Hạnh cùng nhiều người trong giới nhận xét quy định mới chưa chặt chẽ, khiến họ thấy khó hiểu. Theo nhiều người hoạt động trong showbiz, quy định của Bộ cần nêu rõ hơn đâu là giới hạn và chuẩn mực để phân định sự phản cảm và yếu tố nghệ thuật.
Cụm từ "không có trang phục" nêu ra trong quy định được nhiều người hiểu là khỏa thân. Tuy vậy, trong bối cảnh sáng tạo của nghệ sĩ, nude cũng là một trong những phương diện biểu đạt mang tính nghệ thuật. Không chỉ vậy, cụm từ "không có trang phục" dễ trở nên lỏng lẻo trong các trường hợp chụp ảnh bán nude hoặc người mẫu mặc áo lót, tức là vẫn có trang phục.
Chia sẻ trên trang cá nhân, người mẫu Minh Triệu khá bức xúc trước sự chung chung của điều khoản trong thông tư mà theo cô là "rất khó để dựa vào đó và thực hiện". Người mẫu thấy khó hiểu ở cụm từ quy định về "người mẫu, người đẹp đoạt danh hiệu ở các cuộc thi...". Cô đặt câu hỏi liệu có phải những chân dài chưa đoạt danh hiệu vẫn có thể chụp ảnh và phổ biến nude?
Người mẫu Hạ Vy bày tỏ: "Tôi nghĩ các điều khoản, quy định cần rõ hơn nữa, ví dụ nếu cấm nude thì bao nhiêu phần trăm hở? Nude trong trường hợp nào thì phải bị phạt? Còn trường hợp nào thì được chấp nhận? Bởi người mẫu chắc chắn không thể tránh khỏi những hợp đồng có liên quan đến chụp đồ lót - vốn lộ da thịt có thể đến 80% - hoặc các lời mời chụp ảnh nude nghệ thuật từ các họa sĩ, nhiếp ảnh gia".
Ranh giới phân định đâu là phản cảm, đẹp hay xấu tùy vào cảm nhận chủ quan, gu thẩm mỹ riêng của từng người. Ông bầu Vũ Khắc Tiệp cho biết từ năm ngoái đến năm nay, công ty người mẫu của ông đã có định hướng xây dựng hình ảnh thanh lịch, hạn chế tối đa trang phục quá sexy, phản cảm hoặc người mẫu chụp ảnh nude. Khi Bộ đã có ban hành văn bản luật, đứng ở góc độ quản lý, ông Tiệp và công ty khẳng định sẽ chấp hành nghiêm túc. "Tuy nhiên, tôi thấy hướng dẫn trong thông tư chưa thật cụ thể, gây nhiều thắc mắc, vì luôn có sự khác biệt giữa một bộ ảnh nude phản cảm, tục tĩu và một bộ ảnh nude nghệ thuật, tôn vinh cái đẹp. Nếu đánh đồng sẽ khiến sự phóng khoáng, tự do sáng tạo nghệ thuật bị hạn chế vì có những bức ảnh nude, bộ ảnh nude hoặc cảnh nude trong phim rất đẹp, mang tính nghệ thuật cao", ông Tiệp nói.
Hiện tại, Việt Nam hội nhập với thế giới về nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Các sao quốc tế dùng hình nude cho các chiến dịch thiện nguyện, dự án nghệ thuật, cộng đồng. Sao Việt cũng không nằm ngoài các hoạt động này. Việc một thông tư ban hành về quy định trình diễn, biểu diễn nếu không cụ thể, rõ ràng dễ mang đến cảm giác bó hẹp sự sáng tạo của những người làm nghệ thuật như nghệ sĩ trình diễn (người mẫu, diễn viên), nhiếp ảnh, nhà làm phim...
Đang làm phim ở Israel, Á hậu Hoàng My chia sẻ với VnExpress về những điểm cô chưa đồng tình trước quy định mới của Bộ. Cô cho rằng đối với những người đã có bề dày làm việc trước ống kính như hoa hậu, người mẫu, nếu họ có ê-kíp tốt và tin cậy thì việc chụp ảnh nude là một quyền tự do của người hoạt động nghệ thuật.
"Ngay tại Israel, một đất nước trong trung tâm khu vực Trung Đông cũng không có một luật nào cấm việc không mặc quần áo. Tuy nhiên nếu một người không mặc quần áo hay có những hành động tục tĩu khiến người khác cảm thấy bị quấy rối, hoặc quan hệ tình dục nơi công cộng, sẽ bị cảnh sát tống giam", Hoàng My cho biết.
Ngoài vấn đề giới hạn của sự phản cảm, cụm từ "... phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông" trong quy định cũng khiến nhiều người thắc mắc.
Khái niệm về "mạng viễn thông" còn mơ hồ bởi viễn thông không chỉ là mạng Internet mà còn cả điện thoại, tin nhắn, fax... Ngoài ra, việc phổ biến ảnh, video nude không chỉ trên mạng viễn thông mà còn ở các xuất bản phẩm, nhưng quy định lại chưa đề cập rõ đến điều này.
Về phương diện chế tài các hành vi vi phạm, cả thông tư hướng dẫn của Bộ và Nghị định của chính phủ chưa quy định cụ thể, chi tiết.
Người mẫu Thúy Hạnh dẫn chứng những trường hợp người mẫu được mời biểu diễn trang phục của nhà thiết kế khi không biết trang phục đó chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt. "Người mẫu chỉ thực hiện trách nhiệm trình diễn. Nếu xảy ra sự cố trang phục bị tuýt còi vì hở hang, hoặc vô tình trang phục bị lỗi kỹ thuật dẫn đến hở quá mức, thì ai sẽ bị xử phạt và mức độ phạt là thế nào?", cựu người mẫu nêu vấn đề.
Anh Huy Minh - quản lý Á hậu Thúy Vân - đồng tình: "Tôi thấy quy định mới này cần được bổ sung thêm về trách nhiệm của các công ty quản lý và những điều khoản, biện pháp xử lý những người mẫu tự do có ảnh hưởng xấu trên truyền thông, thẩm mỹ xã hội".
Thất Sơn - Đức Trí