- Kết hôn từ đầu tháng 12/2020, vì sao đến nay chị mới công bố tin vui?
- Năm ngoái, Anh bùng phát dịch, tôi bị kẹt, không về nước được nên tôi và bạn trai quyết định cưới luôn. Tính tôi hơi tùy hứng, lúc nào tôi thích mới công bố. Tôi cũng không xem ngày cưới. Đám cưới thời dịch nên chỉ có sự chứng kiến của bố mẹ chồng và hai chủ hôn. Bố mẹ ruột tôi là những người có suy nghĩ thoáng, ủng hộ con khi nào về nước làm lễ trước gia tiên và tiệc báo hỷ sau.
Chúng tôi không tốn nhiều thời gian để chuẩn bị, tổ chức đơn giản nhất có thể. Tổng thời gian từ lúc lên ý tưởng cho đến làm lễ chỉ khoảng bốn ngày. Cả hai không có hình cưới đẹp, cũng không có tiệc tùng, khách khứa chúc phúc. Đám cưới của tôi đơn giản, tiết kiệm, nhưng chúng tôi thấy ý nghĩa và đáng nhớ, theo cách chúng tôi mong muốn.

Bố mẹ chồng Chà Mi (phải) là hai trong số bốn người được mời chứng kiến hôn lễ của họ. Ảnh: nhân vật cung cấp.
- Vợ chồng chị có những trải nghiệm gì khi tự tay tổ chức đám cưới?
- Nhiều lắm, toàn là thiếu sót thôi vì không có kinh nghiệm (cười). Tôi đặt mua hoa trang trí trước hôn lễ ba ngày, nghĩ phải mất ít nhất hai ngày hoa mới bung nở hết. Riêng hoa cầm tay cho cô dâu, tôi mua một bông cẩm tú cầu trắng, không hiểu sao tối hôm trước ngày cưới, nó héo rũ ra. Thế là trong một tối mùa đông ở Anh, tôi đội mưa lạnh rảo khắp các tiệm hoa và mua được một bông tú cầu xanh rất đẹp. Sáng hôm sau, hai đứa phải ôm nhiều đồ quá, quên mất bó hoa cưới ở nhà. Cuối cùng, cô dâu mua hoa hai lần nhưng vẫn đến lễ đường "tay không". Hoa cài áo của chú rể cũng do tôi cũng tự làm, nhưng đến phút quan trọng nó cũng gãy mất (cười).
Ngày cưới, hai vợ chồng réo nhau dậy thật sớm. Cô dâu tự trang điểm, chú rể thì say sưa ngồi cắm hoa. Tôi tự đem máy ảnh theo để quay video và chụp vài bức làm kỷ niệm ở lễ đường. Hai chủ hôn kinh ngạc khi thấy cô dâu mặc bộ váy cưới nữ tính, nhưng lại vác chân máy trên vai, còn chú rể khệ nệ bưng các bình hoa đi ra đi vào. Trông chúng tôi giống nhân viên tổ chức sự kiện cưới hơn là nhân vật chính của hôn lễ.
- Vì sao chị muốn có một đám cưới giản dị?
- Từ thời chưa có người yêu, tôi đã nói với bạn bè rằng sau này tôi sẽ không làm đám cưới vì e ngại tiệc tùng đông đúc, không biết có mấy người đến dự thật sự muốn chúc phúc, chia vui cùng mình. Tôi cũng sợ cảm giác stress trước và trong ngày cưới vì lo lắng, chuẩn bị mọi thứ, đón tiếp khách mời... Đám cưới chỉ là hình thức bên ngoài của một cuộc hôn nhân, cái chính là sau này mình sống với nhau có hạnh phúc không.
Mấy chị gái hay bảo tôi dở hơi, ít ra phải có một tấm hình cưới tử tế để treo đầu giường hay có người trang điểm cho thật xinh chứ. Tôi lại bảo, đám cưới to, hình đẹp mà về đánh nhau, cãi nhau hàng ngày thì nhìn hình chỉ muốn đập đi hay đau lòng hơn thôi. Tất nhiên, đó chỉ là quan điểm sống của tôi thôi. Tôi may mắn khi tìm được người chồng có suy nghĩ tương đồng.

Vợ chồng cô tự tay chuẩn bị mọi thứ từ hoa trang trí, đèn cho đến chụp ảnh cưới. Ảnh: nhân vật cung cấp.
- Chị và chồng quen nhau như thế nào?
- Chồng hơn tôi năm tuổi, tên Raymond, người Hong Kong. Anh sống cùng bố mẹ ở Anh, làm công việc văn phòng. Chúng tôi quen nhau vào tuần thứ hai tôi đến London làm việc, cách đây hơn ba năm trước. Ngay lần hẹn hò đầu tiên, tôi đã thích anh vì tính anh rất chu đáo, trái ngược với sự ẩm ương của tôi. Tôi nghĩ anh là sự bù trừ hoàn hảo mà ông trời ban cho mình.
Nhưng lúc mới quen, tôi cũng không nghĩ tới việc gắn bó lâu dài. Sau hơn một năm yêu và chung sống, anh có màn cầu hôn hết sức kỳ quặc. Lúc đó, tôi đang đi vệ sinh thì anh gõ cửa. Tất nhiên, tôi không mở, anh đã lấy chìa khóa riêng mở cửa nhà vệ sinh rồi cầu hôn. Tính chồng tôi vốn rất trầm, không hiểu sao khoảnh khắc ấy anh có thể hành động như vậy.
Tôi từng có một giai đoạn bị khủng hoảng, không muốn tiếp xúc với ai. Áp lực vô hình khiến tôi xuống sắc khủng khiếp, soi gương mà không nhận ra mình. Nhưng lúc tôi xấu xí, khó khăn nhất, anh vẫn luôn bên cạnh, chia sẻ để cùng tôi vượt qua - điều khiến tôi cảm động và trân trọng nhất ở mối quan hệ này.
- Chị từng trải qua những cảm xúc ra sao khi mất thu nhập, không thể đi diễn suốt nhiều tháng vì dịch?
- Khi nước Anh mới phong tỏa, tôi cũng căng thẳng lắm vì công việc người mẫu đang ổn định, nay phải hủy show và ở nhà suốt. Bố giục tôi về Việt Nam kiếm việc gì đó sống qua ngày. Chồng tôi cũng phải làm việc ở nhà và đối diện áp lực theo kiểu khác. Hai đứa cùng căng thẳng nên đã cãi nhau to. Sau khi bình tâm lại, chúng tôi nói ra quan điểm của mình rồi giải quyết. Đã sống chung một nhà, mâu thuẫn là không tránh khỏi, nhưng may mắn là chúng tôi không bao giờ để mọi thứ đi quá xa.
Khi tôi buồn vì mất thu nhập, anh và bố mẹ hay động viên rằng công việc, tiền bạc chỉ là công cụ của cuộc sống. Cách mình thoải mái hay căng thẳng là do bản thân lựa chọn. Cuộc đời có lúc này lúc khác. Bây giờ, bạn thấy cảm thấy mình vô dụng, nhưng chắc gì sau này vẫn thế. Rồi tôi cũng thả lỏng hơn, bắt đầu học nấu ăn, học thêm kỹ năng mới thay vì chỉ ngồi một chỗ chờ được gọi đi làm sau dịch. Hiện, tôi đã trở lại với nghề. Mỗi tuần, tôi dành một ngày bán hàng cho một shop từ thiện.
Phần thể hiện của Chà Mi (0:01-1:06) ở Next Top 2017. Video: Multimedia.
Chà Mi sinh năm 1994, từng vào top 4 Vietnam's Next Top Model 2013. Sau cuộc thi, cô trở thành gương mặt trang bìa của nhiều tạp chí thời trang trong nước. Ở Tuần Thời trang Quốc tế Việt Nam Xuân Hè 2017, Chà Mi gây ấn tượng khi mở màn show Thủy Nguyễn. Năm 2017, cô tham gia Vietnam's Next Top Model mùa All Stars và vào top 3 chung cuộc, bên cạnh Kim Dung (quán quân) và Thùy Dương.
Ngoài hoạt động chính ở thị trường trong nước, Chà Mi ký hợp đồng với công ty quản lý người mẫu ICE model ở Milan (Italy), chụp ảnh thời trang cho các nhãn hàng quốc tế. Gần bốn năm nay, cô đi về giữa Việt Nam và Anh để làm việc.
Vân An