Trận đánh Vị Xuyên (Hà Giang) trôi qua 30 năm, liệt sĩ Lê Nam Hòa (quê Yên Bái) cũng về với đất ngần ấy năm. Mộ của ông nằm ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, bàn thờ được vợ chồng ông Hà Hữu Thân và bà Nguyễn Thị Minh Nga thờ cúng chu đáo tại nhà riêng ở xã Ngọc Quan (Đoan Hùng, Phú Thọ). Ông Thân từng là đồng đội chiến đấu còn bà Nga vốn là vợ của liệt sĩ Hòa.
Năm 1980, hai người lính Lê Nam Hòa và Hà Hữu Thân thân thiết với nhau khi ở cùng một đơn vị tại Lào Cai. Năm 1984, cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lấn biên cương ngày càng ác liệt, cả hai được điều về Trung đoàn 149, Sư đoàn 356. Ông Thân là đại đội trưởng, còn ông Hòa là đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 7.
Những lúc nhớ nhà, ông Hòa thường kể cho đại đội trưởng nghe về người vợ tên Nga đang làm hộ sinh tại Bệnh viện Trấn Yên (Yên Bái) và cậu con trai 7 tháng tuổi. Vì nhiệm vụ cấp bách mà trước khi hành quân lên Hà Giang, ông Hòa không được gặp vợ con.
Rạng sáng 12/7/1984, Việt Nam mở màn chiến dịch giành lại các điểm cao bị Trung Quốc chiếm trái phép. Trước giờ xuất kích, anh em ngồi nói chuyện với nhau dưới gốc đa hang làng Lò (Vị Xuyên, Hà Giang). Ông Thân còn nhớ rõ, đêm đó là 14 âm lịch, mưa tầm tã nhưng vẫn lờ mờ có bóng trăng. Suối Thanh Thủy cuộn lên đục ngầu sau những trận mưa rừng.
Ông Hòa tâm sự: "Anh Thân này, ra trận thì người còn người mất. Nếu chẳng may có người hy sinh thì người còn sống có trách nhiệm thay người nằm xuống chăm lo cho gia đình, trước là vợ con, sau là bố mẹ". Ông Thân ngăn người đồng đội, bảo đừng nói gở miệng.
Thế rồi họ chia tay nhau, tất cả vào vị trí. Bước vào trận đánh cao điểm 685, ông Hòa trúng đạn pháo và hy sinh. Ông Thân cũng bị thương nặng, được chuyển về tuyến sau điều trị vết thương. Tin liệt sĩ Lê Nam Hòa hy sinh báo về, người vợ trẻ ôm con khóc ngất. Bà Nga trở thành vợ liệt sĩ khi mới 27 tuổi. Cuộc sống quá khó khăn, bà xin phép bố mẹ chồng đưa con về quê ngoại ở Đoan Hùng sinh sống.
Năm 1987, ông Thân chuyển công tác về đơn vị gần nhà bà Nga. Nhớ đến lời đồng đội trước lúc hy sinh, ông cùng vài người bạn đến thăm hai mẹ con. Anh em trong đơn vị cũng hay ra thăm ông cụ thân sinh ra bà Nga, vốn là thầy giáo, được nhiều người kính trọng.
Bà Nga khi đó làm ở Trung tâm y tế Đoan Hùng, thường đi sớm về khuya, con trai ốm yếu hay được ông ngoại cõng đi chữa bệnh. Hoàn cảnh mẹ góa, con côi khá vất vả. Ông Thân xin phép được qua lại, chăm sóc hai mẹ con. Cậu bé Lê Nam Duy, con trai liệt sĩ Hòa, rất quấn quýt mỗi khi thấy chú bộ đội Thân. Nhưng bà Nga tránh tiếp xúc ông Thân vì sợ những lời đàm tiếu của người đời.
Ông Thân phải tìm cách nói chuyện, rồi được mọi người vun vén thêm, hai năm sau bà Nga mới đồng ý lấy đồng đội của chồng khi cảm nhận được sự chân thành của ông. Đầu năm 1989, hai người làm mâm cơm cúng, thắp hương xin phép liệt sĩ Hòa nối mối nhân duyên, trở thành vợ chồng. Ông cũng hứa chăm sóc và thương yêu bé Duy như con đẻ của mình.
Khi ngỏ lời với bà Nga, ông Thân không nhắc tới câu chuyện ở gốc đa trước cửa hang làng Lò năm xưa. "Tôi không muốn bà ấy tủi thân, nghĩ tôi bị ràng buộc bởi lời hứa với đồng đội. Hơn nữa, tình cảm khi đó tôi dành cho hai mẹ con là thật lòng", ông chia sẻ. Người đàn ông 59 tuổi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Ông bảo đó là trách nhiệm với người đồng đội đã ngã xuống và cũng vì tình cảm của chính mình.
Cuối năm 1989, ông bà sinh thêm một cậu con trai nữa, đặt tên là Tùng. Không cùng cha nhưng hai anh em Duy - Tùng rất thương yêu và hợp tính nhau. Cả hai người con trai kính trọng gọi "bố Thân, bố Hòa", coi như hai người cha ruột của mình. Vợ chồng ông Thân vẫn qua lại thăm nom bố mẹ liệt sĩ Hòa ở Yên Bái. Ông Thân xin làm con trai nuôi của gia đình, cùng đỡ đần khi có công việc. Mỗi ngày giỗ của liệt sĩ Hòa, ông đều cúng cẩn thận, rồi làm cơm tập hợp anh em đến cho cửa nhà thêm đầm ấm.
Trải qua bao sóng gió, bà Nga cũng tìm được bến bình yên. Nỗi đau trở thành góa phụ có người san sẻ, cuộc sống đời thường có người chung vai gánh vác. Bà kể, vợ chồng có lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, nhưng chưa bao giờ thấy ông Thân nói nặng lời hay quát mắng con trai.
Nhắc đến liệt sĩ Hòa, bà xúc động nhớ lại chuyện xưa. Cưới nhau hai năm nhưng vợ chồng chỉ sống với nhau tính theo ngày. "Làm vợ khi đất nước có chiến tranh thì người chồng không còn là của riêng gia đình nữa mà là một phần của đất nước. Anh Hòa hy sinh mới là người thiệt thòi nhất", bà rưng rưng nước mắt.
Tháng 7 hàng năm, vợ chồng ông Thân lại cùng những người lính Sư đoàn 356 về lại chiến trường xưa, thắp hương cho liệt sĩ Hòa và đồng đội đã nằm xuống. Những cựu binh đều biết câu chuyện xúc động ấy. "Chúng tôi luôn kể cho nhau nghe câu chuyện của ba người như lời nhắc nhở về nghĩa tình đồng đội", cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim chia sẻ.
Câu chuyện về mối nhân duyên ấy sẽ có hậu hơn, hạnh phúc sẽ trọn vẹn hơn nếu như năm 2010, tai nạn không cướp đi người con trai duy nhất của bà Nga với liệt sĩ Hòa. Ông Thân lại một lần nữa dành hết yêu thương, lo lắng để giúp vợ nguôi ngoai nỗi đau. Nhiều lúc bà chỉ biết khóc: "Tôi chẳng còn gì, chỉ còn lại ông ấy với đứa con làm niềm an ủi cuối cùng giữa cuộc đời quá bất hạnh này"... Gian trên cùng của ngôi nhà ba tầng có thêm bàn thờ người con trai trẻ. Bốn năm nay, ông Thân vẫn cùng vợ ngày ngày lo hương khói cho cả hai cha con liệt sĩ Lê Nam Hòa.
Hoàng Phương