Hầu hết thời gian của Wang dành cho một phần mềm giám sát có tên DiSanZhiYan, hay còn gọi là "Con mắt thứ ba". Đây là hệ thống được cài đặt trên máy tính xách tay của tất cả đồng nghiệp tại công ty để theo dõi nhất cử nhất động trên màn hình máy tính theo thời gian thực, ghi lại các cuộc trò chuyện, hoạt động duyệt web, mọi chỉnh sửa tài liệu mà họ thực hiện.
Hàng trăm đồng nghiệp của Wang cho biết họ không hề thoải mái khi bị theo dõi như vậy, nhưng vẫn phải chấp nhận. Mỗi ngày làm việc, "Con mắt thứ ba" sẽ tự động gắn cờ các "hành vi đáng ngờ" của nhân viên, chẳng hạn truy cập các website, ứng dụng bên ngoài. Hàng tuần, sẽ có "báo cáo hiệu quả công việc", trong đó tóm tắt thời gian truy cập từng web và ứng dụng. Đây cũng là tiêu chí để xét thăng chức và tăng lương trong tương lai.
"Các ông chủ sẽ kiểm tra báo cáo thường xuyên" Wang nói. "Số tài liệu này có thể được sử dụng làm bằng chứng khi công ty muốn tìm cách sa thải ai đó".
Ngay cả bản thân Wang cũng không được miễn trừ. Các camera giám sát độ nét cao được lắp đặt xung quanh, cả trong văn phòng của Wang. Một nhân viên lễ tân sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra cảnh quay mỗi ngày, chủ yếu kiểm soát thời gian nghỉ trưa của các nhân viên.
Sau hai năm, Wang nghỉ việc.
"Nó làm mọi thứ mất ý nghĩa", Wang chia sẻ. "Chúng tôi không thể làm việc quần quật trong văn phòng. Chúng tôi là con người, cũng cần nghỉ ngơi".
Tại Trung Quốc, việc áp dụng công nghệ tương tự "Con mắt thứ ba" như công ty của Wang không hiếm và có chiều hướng ngày một tăng. Các doanh nghiệp lấy lý do nâng cao năng suất, hiệu quả công việc để áp dụng các phần mềm giám sát với nhân viên của mình. Các phần mềm được đưa vào mọi công đoạn, từ tuyển dụng, thiết lập mục tiêu đến đánh giá và sa thải. Chúng định lượng hành vi của người lao động bằng cách thu thập và phân tích lượng lớn dữ liệu cá nhân.
Một số chuyên gia cảnh báo các phần mềm theo dõi khi áp dụng có thể phi đạo đức, xâm phạm quyền riêng tư của nhân viên, tạo áp lực công việc và căng thẳng về tinh thần. Bên cạnh đó, nó cũng gây mệt mỏi do phải chạy đua với công việc. "Tôi cảm thấy mình ngày càng bận rộn, ít dành thời gian cho bản thân", Wang thừa nhận.
Pinduoduo được ví là "viên ngọc quý" của nền công nghệ Trung Quốc. Chỉ trong 5 năm, công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Thượng Hải, tăng trưởng từ 0 lên 788 triệu người dùng hoạt động hàng năm, vượt qua JD.com để trở thành doanh nghiệp thương mại điện tử lớn thứ hai với giá trị thị trường 175 tỷ USD, chỉ đứng sau Alibaba.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh khiến công ty phải trả giá. Tháng 12 năm ngoái, một nữ nhân viên 22 tuổi tử vong sau khi ngã quỵ trên đường đi làm về, lúc 1h30 sáng. Cô làm việc cho Duoduo Grocery - dịch vụ bán lẻ tạp hóa đã có mặt tại 300 thành phố của Trung Quốc. Hai tuần sau, Pinduoduo xác nhận một trong những kỹ sư của họ nhảy lầu tự tử. Theo một cựu nhân viên Pinduoduo, nạn nhân là một công nhân trẻ mới tốt nghiệp đại học.
Cũng trong cùng tháng đó, một nhân viên khác của Pinduoduo đăng ảnh đồng nghiệp rời khỏi văn phòng bằng cáng do làm việc quá sức. Trong video trên Weibo, người này cho biết đã bị sa thải sau khi đăng hình ảnh lên mạng xã hội. "Tôi nghĩ rằng công ty đã theo dõi tôi bằng cách giám sát máy tính, hoặc Maimai", người này nói. Maimai là một mạng xã hội việc làm tại Trung Quốc, tương tự LinkedIn.
"Người lao động không thể bị thay thế bởi các thuật toán và AI, nhưng họ đang bị quản lý ngày một chặt chẽ bởi những công nghệ này", Nick Srnicek, Giảng viên Kinh tế kỹ thuật số tại Đại học King's College of London, nhận xét.
Chính phủ Trung Quốc gần đây bắt đầu soạn thảo các điều luật để ngăn chặn việc thu thập dữ liệu cá nhân của các công ty công nghệ với nhân viên của họ. Tuy vậy, thách thức trong lập pháp là xác định loại giám sát công việc nào nên được coi là hợp lý và cần thiết.
Ở phương Tây, việc giám sát nhân viên trở nên phổ biến, nhất là khi làm việc từ xa, nhưng được kiểm soát chặt chẽ bằng luật pháp. Còn tại Trung Quốc, giám sát nhân viên càng được thúc đẩy mạnh mẽ và liên tục hơn gần đây, nhưng lại thiếu các chế tài về luật. "Tốc độ của luật pháp Trung Quốc đang chưa phù hợp với sự phát triển của công nghệ", Samuel Yang, một luật sư chuyên bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và an ninh mạng, nhận xét.
Sangfor Technologies là nhà cung cấp nền tảng giám sát trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này hiện cung cấp phần mềm giám sát cho Alibaba, ByteDance, Sina, Xiaomi, ZTE và hơn 50.000 doanh nghiệp khác. Phần mềm của hãng có tính năng tự động truy cập lịch sử duyệt web trên thiết bị di động của nhân viên khi thiết bị này truy cập vào Wi-Fi của công ty mà không cần gửi thông báo phê duyệt. Thậm chí, nó có thể tự động chặn các nền tảng gây xao lãng công việc như Douyin (phiên bản TikTok cho thị trường Trung Quốc) hay Weibo.
Bên cạnh đó, Sangfor Technologies cũng cung cấp hệ thống xếp hạng "người lao động kém hiệu quả" dựa trên thời gian họ dành cho các ứng dụng và trang web trong danh sách "không liên quan đến công việc". Những người trong "danh sách đen" có thể bị ép thôi việc nếu vi phạm nhiều lần.
Ở Trung Quốc, thuật toán AI đang được áp dụng để đưa ra quyết định thay mặt con người, bao gồm việc ai được thuê, ai bị sa thải và ai được thăng chức. Năm ngoái, một công ty con của Canon tại Bắc Kinh đưa vào sử dụng hệ thống "nhận dạng nụ cười" nhằm kiểm soát việc tươi cười của nhân viên. Canon cho biết hệ thống này nhằm mang lại sự vui vẻ hơn cho văn phòng trong thời kỳ đại dịch.
"Giờ đây, công ty không chỉ thao túng thời gian mà còn cả cảm xúc của chúng tôi", một người dùng cho biết trên Weibo.
Zhongduantong, một công ty phần mềm có trụ sở tại Bắc Kinh, đã phát triển ứng dụng di động cho phép giám sát nhân viên khi họ di chuyển. Phần mềm làm nhiệm vụ kiểm tra tại các địa điểm mà nhân viên di chuyển trong một khung thời gian nhất định, sau đó tải lên hình ảnh về môi trường xung quanh rồi gửi về bộ phận quản lý để "làm bằng chứng".
Chính vì phần mềm của Zhongduantong, một giám đốc bán hàng ở thành phố Thẩm Dương đã bị phạt 200 nhân dân tệ (31 USD) sau khi ông này dành thời gian nghỉ trưa để ra ngoài giải quyết chuyện riêng. Trong một trường hợp khác, định vị của phần mềm chính xác đến mức một nhân viên ở tỉnh Sơn Tây đã bị phạt vì duyệt Weibo trong 10 phút trong nhà vệ sinh công ty, theo báo cáo của Tân Hoa Xã.
"Nhiều ứng dụng đang theo dõi nhân viên quá mức, chẳng hạn ngồi ở nhà vệ sinh quá lâu hay ra ngoài trong thời gian nghỉ. Một số công ty thậm chí sử dụng camera văn phòng để tính toán thời gian làm việc chính xác của nhân viên", Alan Li, một blogger viết về quyền lao động, nói.
Nhiều trường hợp áp dụng công nghệ giám sát khác đã bị phản ứng dữ dội. Năm ngoái, Kuaishou Technology - công ty đứng sau nền tảng video ngắn Kuaishou - bị chỉ trích vì lắp cảm biến và đồng hồ đếm ngược để kiểm soát nhân viên đi vệ sinh. Alibaba cũng đã phát triển một hệ thống nhà vệ sinh thông minh được kết nối Internet và đầu dò hồng ngoại để kiểm soát mùi trong đó.
Những hoạt động giám sát thường gây khó chịu cho nhân viên và bị công chúng chỉ trích dữ dội, nhưng lại tác động rất ít đến tâm lý của nhà đầu tư. Thậm chí, sau tin tức về cái chết của nhân viên 22 tuổi, giá cổ phiếu của Pinduoduo ban đầu giảm 6%, nhưng sau đó tăng 12%. Theo các chuyên gia, giới đầu tư chỉ nhìn vào hiệu quả sản xuất của công ty đó thay vì các yếu tố khác.
Việc quản lý nhân viên qua hệ thống giám sát bằng AI đang gây lo ngại về thiên vị và phân biệt đối xử. "Nếu một nhân viên bị cảm và không hoàn thành công việc đúng tiến độ, AI có phát hiện được không", Jia Kai, phó giáo sư tại Đại học Khoa học và công nghệ điện tử Trung Quốc, đặt câu hỏi.
Theo Kai, câu trả lời là không. "Những gì hệ thống máy tính có thể nắm bắt được chỉ là một phiên bản đơn giản hóa hành vi của con người", Kai nói.
Tuy vậy, bất chấp việc bị giám sát, nhiều người vẫn đổ xô tìm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu, như Pinduoduo hay Kuaishou. Nguyên nhân là mức lương ở đây cao hơn mặt bằng chung của Trung Quốc nhiều lần. Theo báo cáo thu nhập mới nhất của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, ngành Internet đứng đầu bảng với thu nhập trung bình hàng năm là 177.544 nhân dân tệ (gần 28.000 USD) vào năm 2020, tăng 10% so với năm trước, cao hơn thu nhập trung bình trong ngành tài chính và cao gấp đôi so với thu nhập của nhân viên trong lĩnh vực bất động sản.
Việc gia nhập các công ty công nghệ lớn cũng không phải là điều dễ dàng. Cindy Yang, người gần đây đã gia nhập Tencent Holdings, đã phải trải qua 6 vòng phỏng vấn trước khi được nhận. Sự cạnh tranh khốc liệt đến mức những người đã có bằng thạc sĩ vẫn phải chi 8.000 nhân dân tệ (hơn 1.200 USD) cho một lớp dạy kèm riêng được thiết kế để dạy các ứng viên cách vượt qua các cuộc phỏng vấn xin việc tại các công ty Internet lớn Trung Quốc.
Sau khi được nhận, việc duy trì công việc tại các công ty lớn cũng gian nan không kém. Tencent áp dụng cơ chế tính điểm, trong đó nhân viên được đánh giá nửa năm một lần, những người có điểm thấp nhất sẽ bị loại. ByteDance cho phép nhân viên của mình nghỉ cuối tuần nhưng hai tuần một lần theo cơ chế "chẵn lẻ", tuần làm việc sẽ tăng gấp đôi lương. Pinduoduo yêu cầu làm việc tối thiểu 300 giờ mỗi tháng.
Sự khắc nghiệt khiến thời gian làm việc của mỗi người cho một công ty bị rút ngắn. Theo báo cáo của LinkedIn vào năm 2018, các công nhân trong ngành công nghiệp Internet Trung Quốc dành trung bình 1,47 năm tại một công ty trước khi chuyển sang công ty khác.
Tony Yang, một cựu kỹ sư của ByteDance, đã nghỉ việc sau hai năm làm việc theo lịch trình "chẵn lẻ". Anh làm việc từ 11h sáng đến nửa đêm mỗi ngày và thường trực 24/7 để giải quyết các vấn đề về hệ thống. "Tôi cảm thấy không khỏe khi kết thúc công việc. Tôi bị thừa cân và thỉnh thoảng bị suy nhược tinh thần. Đôi khi, tôi đột ngột hét lên và muốn đập phá mọi thứ", người đàn ông 31 tuổi nói.
Cách đây hai năm, David Yu nhận được lời mời làm kỹ sư từ Pinduoduo với số lương gấp đôi công ty cũ và tùy chọn mua cổ phiếu. Tuy nhiên, chàng trai 27 tuổi sau đó từ chối sau khi xem lịch trình làm việc: phải tăng ca qua đêm nhiều lần trong tháng để theo dõi các lỗi hệ thống, lịch làm việc 13 tiếng mỗi ngày, cuối tuần phải làm việc theo hình thức "chẵn lẻ".
Theo Danny Sun, người đã làm việc cho ba công ty lớn của Trung Quốc trong 5 năm, việc bỏ ra nhiều thời gian, công sức và bị chịu giám sát gắt gao là không đáng. "Bạn khó có thể thăng chức ở những công ty này. Các doanh nghiệp lớn hầu hết đã IPO, có nghĩa là lợi nhuận tài chính cho nhân viên không còn sinh lợi như trước đây", Sun nói. "Trừ khi bạn đạt được vị trí thật sự cao, nếu không, bạn chỉ là một con ốc vít nhỏ trong cỗ máy lớn".
Bảo Lâm (theo Nikkei Asia)