Anh Cường, 48 tuổi, trú quận Long Biên, Hà Nội được nhận vào làm tại một công ty tư nhân, tháng 9/2022. Khi đó ngoài giấy khám sức khoẻ và bản sao giấy tờ tuỳ thân, hồ sơ xin việc của anh có thêm bản lý lịch có đóng dấu của công an phường. Bất ngờ cuối tháng 3, anh được yêu cầu nộp thêm giấy xác nhận lý lịch tư pháp.
Thắc mắc lý do nhưng không được giải đáp, anh và hơn 100 lao động tại công ty gồm lao công, tạp vụ, lái xe, bảo vệ... phải đến Sở Tư Pháp Hà Nội xếp hàng xin giấy.
Anh Cường cho hay, hôm 7/4, khi tới xếp hàng, số thứ tự đã tới 343. Nhiều người kể đã đợi 3-4 ngày vẫn chưa đến lượt nên khuyên anh với số "cao" thế này nên ra về.
Một tuần sau, ngày 14/4, anh quay lại xếp hàng sớm, lần này được số thứ tự 125. "Vẫn đông nhưng cố đợi", anh kể và cho hay phải xin nghỉ một ngày, thêm 200.000 đồng lệ phí. "Tính ra mất hai ngày lương", anh nói.
Nhiều thanh niên trong màu áo xe ôm công nghệ, giao hàng ngồi cạnh anh Cường ở hàng ghế chờ trong Sở Tư pháp Hà Nội cùng chung thắc mắc: "Tại sao shipper, phụ hồ cũng phải đi xin giấy xác nhận lý lịch tư pháp?".
"Tôi không hiểu biết lắm nhưng nghĩ chỉ người làm công việc trình độ cao, hoặc công ty nhà nước liên quan an ninh quốc gia mới cần, chứ tôi làm tạp vụ thì sao phải cần", anh Cường nói.
Tại Sở Tư Pháp TP HCM, 16h ngày 17/4, khu vực tiếp nhận hồ sơ vẫn kín hàng trăm người ngồi chờ nộp hồ sơ và lấy kết quả xác nhận lý lịch tư pháp.
Anh Phạm Hoàng Luân, 27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh cho biết, sau một tuần nộp hồ sơ, hôm nay lên lấy kết quả theo giấy hẹn. Song, hồi lâu chờ đợi, anh chỉ nhận được giấy xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả. Giấy hẹn ghi "ngày nào có kết quả sẽ thông báo sau" nên anh cũng chưa biết khi nào nhận sẽ được giấy xác nhận lý lịch tư pháp.
"Khả năng phải đợi thêm 15 ngày nữa", anh Luân nói và cho biết xin giấy xác nhận lý lịch tư pháp để nộp hồ sơ xin làm tài xế cho một hãng taxi công nghệ. Tương tự, nhiều người khác cũng cho biết, xin xác nhận lý lịch để nộp đơn xin việc theo yêu cầu của công ty.
Trả lời VnExpress, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho biết mỗi ngày phải giải quyết 300 bộ hồ sơ, trong khi nhu cầu gần 600 bộ. Cơ quan này do đó phải tăng số cán bộ tiếp nhận, xử lý lên 7 người, tăng thời gian làm việc mỗi ngày từ 1 đến 1,5 giờ. Với các giải pháp trên, hiện tiến độ tiếp nhận đã được tối đa 500 hồ sơ một ngày.
Sở Tư pháp TP HCM cũng ghi nhận từ đầu năm, mỗi ngày tiếp nhận trung bình 550-650 hồ sơ xin xác nhận lý lịch tư pháp, tăng 8% so cùng kỳ năm 2022. Phần lớn người dân dùng để bổ sung hồ sơ xin việc làm hoặc đi nước ngoài.
Lãnh đạo văn phòng Sở Tư pháp TP HCM đánh giá, ngày càng nhiều cơ quan, doanh nghiệp tư nhân yêu cầu trong hồ sơ xin việc có lý lịch tư pháp, do đó số lượng người làm thủ tục này tăng. Thay vì xác nhận tại công an khu vực như trước đây, giờ các công ty yêu cầu xác minh lý lịch tư pháp để biết nhân sự có tiền án, tiền sự gì hay không.
"Chúng tôi cố gắng đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân", vị đại diện cho hay.
Ngày 19/4, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, cho biết thời gian qua nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc phải xếp hàng dài khi xin cấp giấy xác nhận lý lịch tư pháp, đặc biệt ở Hà Nội. Cán bộ trung tâm đã "đóng vai" là người dân đến Sở Tư pháp Hà Nội ghi nhận tình hình.
"Chúng tôi xếp hàng và trò chuyện với nhiều người tại đây, thấy họ thực sự rất vất vả. Nhiều người phải xếp hàng từ 5h sáng và có người mất vài ngày nhưng vẫn chưa lấy được", ông Hùng nói.
Theo ông, TP HCM, Nghệ An hay một số địa phương khác cũng có nhiều hồ sơ xin xác nhận lý lịch tư pháp nhưng công việc "sắp xếp rất ổn, không giống Hà Nội". Ông cho rằng nguyên nhân khiến dòng người xếp hàng ở Sở Tư pháp Hà Nội là do "cách tổ chức, sắp xếp" và "mắc ngay tại khâu tiếp nhận hồ sơ".
Tuy nhiên, một nguyên nhân khách quan, theo ông, là nhu cầu của người dân gần đây tăng đột biến.
Hiểu thế nào cho đúng về lý lịch tư pháp?
Luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty luật TNHH Fanci) cho biết, lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.
Vì thế mục đích của việc yêu cầu cấp giấy xác nhận lý lịch tư pháp là để biết một người nào đó có thuộc diện bị cấm nêu trên hay không; hoặc có bị phạt theo quy định của pháp luật hay không...
Trước việc một số công ty yêu cầu nhân viên cung cấp giấy xác nhận lý lịch tư pháp để biết thông tin án tích, luật sư Hải cho biết khoản 4 Điều 3 của Luật Lý lịch tư pháp đã quy định việc quản lý lý lịch tư pháp chỉ nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã...
"Nhân viên giao hàng, xe ôm, tạp vụ... không thuộc diện phải lấy giấy lý lịch tư pháp", luật sư nêu quan điểm.
Theo luật sư, nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng, quy định tại điều 16 Bộ luật Lao động, không đề cập thông tin về án tích là nội dung bắt buộc người lao động phải cung cấp. Vì thế, nếu căn cứ lý lịch tư pháp mà để xem xét có tuyển hay không là xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng đến quyền được lao động, do chính sách của Nhà nước về lao động là "không được phân biệt đối xử".
Người dân có thể xin cấp phiếu lý lịch tư pháp qua hai hình thức: nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Tư pháp hoặc làm online qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công của tỉnh, thành phố.
Nếu làm trực tiếp, bạn nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi người đó cư trú.
Thời gian nhận kết quả 10-15 ngày, lệ phí 200.000 đồng, hoặc 100.000 đồng với người thuộc đối tượng miễn giảm; riêng trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật, hộ nghèo... không mất phí.
Hải Duyên - Phạm Dự - Hải Thư