Trong căn phòng trọ rộng chừng 10 m2 ở đường Đông Hưng Thuận 22 (quận 12), chị Quyên kể về nỗi vất vả khi công ty nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài. Tháng 11/2018, chị được nhận vào làm ở Công ty TNHH Asia Garment, thu nhập 10 triệu đồng. Mỗi tháng người lao động trích một phần lương để công ty đóng bảo hiểm xã hội, y tế... Thế nhưng thay vì hỗ trợ, công ty đã không đóng khiến chị và nhiều công nhân bị ảnh hưởng.
Cuộc sống gia đình thực sự khó khăn khi chị Quyên mang thai đứa thứ hai trong lúc chồng bệnh nặng, chi phí điều trị hơn 20 triệu đồng. Sinh con được 2 tháng, chị được bác sĩ chẩn đoán viêm cổ tử cung cần nhập viện. Tuy nhiên, không có bảo hiểm y tế, sợ viện phí cao nên chị mua thuốc uống tại nhà.
Hết thời gian nghỉ thai sản, chị đi làm trở lại thì công ty liên tục chậm lương. Cuối tháng 2 vừa qua, chị cùng nhiều công nhân đình công, yêu cầu giám đốc trả lương, đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó chị Quyên và nhiều đồng nghiệp nộp đơn nghỉ việc. Do công ty nợ bảo hiểm xã hội gần 8,3 tỷ đồng nên hơn 400 công nhân không nhận được trợ cấp thất nghiệp.
Bị nợ lương và không có trợ cấp, gia đình chị Quyên rơi vào tình cảnh khốn khó, nợ nần chồng chất. Để có tiền lo viện phí sinh con, xoay xở khi chồng đau, con ốm, chị phải vay nóng lãi suất cao bên ngoài. Vợ chồng chị hiện nợ gần 20 triệu đồng, mỗi tháng phải trả 3 triệu đồng tiền lãi.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự vì công ty nợ bảo hiểm xã hội, chị Nguyễn Thị Kim Thanh, 47 tuổi, công nhân bộ phận xếp quần áo, Công ty TNHH Mỹ Tú ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương, cho hay đã nợ tiền phòng trọ 4 tháng. Thời gian này ba mẹ con chị sống nhờ người thân.
Chị Thanh kể sau 10 năm làm việc, lương từ 900.000 đồng lên 5 triệu đồng mỗi tháng thì cuối năm 2020 công ty được "sang tay" cho người khác. Điều đáng nói, khoản nợ bảo hiểm xã hội 9,1 tỷ đồng của công ty không được chủ cũ, chủ mới giải quyết, khiến 500 công nhân đa phần lớn tuổi, nuôi con nhỏ bị ảnh hưởng.
"Cả nhà tôi 3 người Tết vừa rồi chỉ có 1,6 triệu đồng", chị Thanh nói. Trong đó, có một triệu đồng lương thời vụ chị làm thêm ở xưởng may gần nơi trọ; Công đoàn Bình Dương hỗ trợ 500.000 đồng; một người bạn cho 100.000 đồng. Không có tiền sắm Tết, một người quen thương tình cho chị mua thiếu 2,8 ký thịt heo, chục vịt lộn. Mãi đến tuần trước, chị mới trả hết món nợ này sau khi nhận lương thời vụ gần 1,2 triệu đồng. "Tôi chỉ mong có việc, công ty sớm trả nợ bảo hiểm xã hội để mẹ con đỡ vất vả", chị Thanh bày tỏ.
Chị Quyên, chị Thanh là hai trong số hàng ngàn công nhân ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai - nơi có nhiều khu công nghiệp, bị thiệt thòi quyền lợi, sống chật vật do doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Đến cuối tháng 1, TP HCM ghi nhận 664 doanh nghiệp nợ hơn 1.000 tỷ đồng, ảnh hưởng gần 30.000 lao động. Tại Bình Dương đến cuối năm 2020, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội gần 900 tỷ đồng. Tại Đồng Nai đến đầu tháng 2, hơn 7.200 doanh nghiệp nợ bảo hiểm với số tiền 857 tỷ đồng, ảnh hưởng hơn 248.000 lao động.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP HCM cho hay người lao động bị ảnh hưởng nhiều quyền lợi khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Họ không được hưởng quyền lợi khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động... Khi nghỉ việc, người lao động không được chốt sổ để nhận tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Theo ông Đô, khi có thông tin về doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, tổ chức công đoàn sẽ kiến nghị chính quyền cùng đưa ra biện pháp xử lý. Trung tâm Tư vấn Pháp luật của Liên đoàn Lao động thành phố, phối hợp công đoàn quận huyện hỗ trợ người lao động về mặt pháp lý khởi kiện công ty. Công đoàn cũng có phương án giúp đỡ, hỗ trợ những người ốm đau, thải sản...
Tương tự, ông Đặng Tấn Đạt, Phó ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay, đơn vị này luôn phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để đôn đốc, nhắc nợ, có văn bản yêu cầu doanh nghiệp trả nợ bảo hiểm xã hội. Đơn cử như tại Công ty TNHH Mỹ Tú được sang nhượng nói trên, cơ quan bảo hiểm xã hội, công đoàn thị xã Tân Uyên làm việc với chủ mới về lộ trình trả nợ, đảm bảo quyền lợi hơn 500 công nhân.
Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM Nguyễn Quốc Thanh cho hay biện pháp cuối cùng là chuyển hồ sơ doanh nghiệp chây ì trả nợ bảo hiểm xã hội qua cơ quan công an, đề nghị xử lý hình sự. Đến đầu tháng 3, cơ quan này đã chuyển 79 hồ sơ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội sang cơ quan công an. Năm nay, Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ thanh tra 366 doanh nghiệp nợ kéo dài.
Lê Tuyết