Kỳ họp Quốc hội vừa qua đã biểu quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Chương Lao động của Hiệp định này cho phép thành lập tổ chức của người lao động không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trao đổi với VnExpress, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trước thách thức giảm sút số lượng đoàn viên, đơn vị này đang hoàn thiện Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam để phù hợp với tình hình mới.
- Ông nhìn nhận như thế nào về việc CPTPP cho phép thành lập tổ chức của người lao động không thuộc hệ thống Công đoàn?
- Đây là lần đầu tiên vấn đề đa công đoàn được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Việc này sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động, làm cho quá trình đại diện, chăm lo và bảo vệ người lao động được tốt hơn. Những gì mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho người lao động cũng chính là điều mà chúng tôi mong muốn.
Tất nhiên, chúng ta phải chờ đến khi có quy định pháp luật cho phép thì tổ chức của người lao động (không thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam) mới được thành lập. Tổ chức này phải do người lao động tự nguyện lập ra, được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép và người sử dụng lao động không được can thiệp.
Trong bối cảnh mới đó, Công đoàn Việt Nam vẫn là tổ chức duy nhất mang trong mình hai sứ mệnh: là đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và là tổ chức lớn nhất, mạnh nhất đại diện cho người lao động, chăm lo lợi ích và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
- Công đoàn Việt Nam sẽ gặp những thách thức nào khi có tổ chức khác cạnh tranh?
- Về cơ bản, CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, trong đó có quyền tự do hiệp hội mà tất cả các nước thành viên CPTPP đều có nghĩa vụ tôn trọng.
Cụ thể, theo cam kết này Việt Nam phải sửa đổi pháp luật để đảm bảo cho người lao động được quyền có thêm tổ chức tại doanh nghiệp, có thể thuộc hoặc không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thực hiện cam kết trên sẽ đặt ra cho tổ chức Công đoàn Việt Nam khá nhiều thách thức. Đó có thể là sự giảm sút số lượng đoàn viên, nhất là ở khu vực ngoài nhà nước, làm hạn chế vai trò của tổ chức Công đoàn.
Ngoài ra còn có thách thức về việc một số thế lực thù địch, lợi dụng quyền tự do hiệp hội để thành lập, thao túng các tổ chức đội lốt "tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp" để hoạt động ngoài phạm vi quan hệ lao động và tại nơi làm việc, dẫn đến tình hình quan hệ lao động bị bóp méo hoặc diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
- Công đoàn sẽ cải tổ ra sao để người lao động không rời bỏ các tổ chức thuộc Tổng liên đoàn?
- Trước những vấn đề mới và thách thức lớn mà CPTPP đặt ra, Công đoàn Việt Nam đã và đang chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết.
Đội ngũ cán bộ công đoàn trong toàn hệ thống sẽ chuyển mạnh từ tư duy hành chính, bao cấp, hoạt động phong trào thuần túy sang thực hiện chức năng cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động. Việc tham gia xây dựng chính sách liên quan đến lao động và công đoàn sẽ được đổi mới và nâng cao chất lượng.
Đoàn viên và người lao động sẽ được chăm lo lợi ích thiết thực trên quan điểm coi lợi ích là chất kết dính thu hút, tập hợp người lao động đến với công đoàn. Các chương trình ưu đãi, phúc lợi đoàn viên sẽ từng bước tạo sự khác biệt về về lợi ích giữa người lao động là đoàn viên công đoàn và người lao động chưa phải đoàn viên.
Đồng thời, công đoàn tham mưu Chính phủ xây dựng thiết chế bảo vệ việc làm bền vững, phòng ngừa vi phạm pháp luật của giới chủ với người lao động.
Nội dung, phương thức hoạt động, phương pháp chỉ đạo hoạt động công đoàn sẽ thực chất hơn, bám sát nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới, công đoàn cơ sở trực tiếp phục vụ người lao động.
Một vấn đề quan trọng nữa là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ trở thành chuyên gia tư vấn, thương lượng, đối thoại. Mô hình tổ chức, hoạt động của ban chấp hành công đoàn các cấp được nghiên cứu, sắp xếp lại.
Chúng tôi đồng thời đẩy mạnh truyền thông để người lao động thấy được các lợi ích mà công đoàn mang lại để gia nhập, mở rộng đoàn viên.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang hoàn thiện Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Những nội dung đổi mới, giải pháp cụ thể để Công đoàn Việt Nam ứng phó có hiệu quả với bối cảnh sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ tiếp tục được bàn thảo, sớm ban hành và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
- Theo ông, cần có quy định ra sao với các tổ chức của người lao động không thuộc công đoàn?
- Vấn đề về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam là một trong những chế định được đặc biệt quan tâm trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Vì vậy, "tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp" phải được quy định hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện nhiệm vụ chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; có cơ chế giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam.
Việt Nam cần cân nhắc và sử dụng tối đa lợi thế cam kết đã thương lượng thành công trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) để được chủ động hơn về lộ trình, cách thức và nội dung thực thi quy định thành lập tổ chức khác ngoài Công đoàn. Đơn cử như thỏa thuận song phương với 10 nước "tạm hoãn" thực thi cơ chế trừng phạt thương mại trong giải quyết tranh chấp về lao động đối với một số nghĩa vụ trong Hiệp định CPTPP.
Ngoài ra, trong tình hình mới, cần thiết phải có Luật Công đoàn tương thích với các quy định luật pháp quốc tế và phù hợp với sự phát triển đất nước. Tổng Liên đoàn đang phối hợp với các cơ quan triển khai thực hiện sửa đổi Luật Công đoàn Việt Nam để trình Quốc hội năm 2019.