Dự thảo 6 này đã có nhiều thay đổi so với Dự thảo 5 trình Quốc hội tại kỳ họp 10. Vấn đề gây nhiều tranh cãi là sửa đổi ở Điều 69 Bộ luật Lao động hiện hành, về thời gian làm thêm. Luật hiện hành quy định người sử dụng lao động và người lao động có quyền thỏa thuận làm thêm giờ, nhưng không quá 200 giờ/năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hoạt động gia công trong các ngành may, giày da..., do tính chất kinh doanh của mình, đề nghị nới rộng tới 400 giờ/năm. Phía công đoàn phản ứng mạnh với đề nghị này. Qua nhiều lần thảo luận, bàn bạc, Ban soạn thảo Dự luật do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì đã đề ra mức làm thêm tối đa 300 giờ/năm.
Giới doanh nghiệp cũng yêu cầu sửa Điều 64 về tiền thưởng, theo hướng “tùy theo điều kiện doanh nghiệp, có chế độ thưởng cho người lao động...”. Quy định này đã được tiếp thu vào Dự thảo 5, song vấp phải phản ứng gay gắt của phía công đoàn, với lo ngại, quy định lỏng lẻo như vậy thì sẽ ít người lao động được thưởng. Dự thảo 6 đã điều chỉnh lại là việc thưởng ở doanh nghiệp phải theo quy chế thưởng, được lập với ý kiến tham khảo của ban chấp hành công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp.
Điều 27 bộ luật hiện hành, chỉ quy định 3 loại hợp đồng lao động, nay được sửa rõ hơn để hạn chế tình trạng chủ doanh nghiệp lẩn tránh ký hợp đồng dài hạn với người lao động. Theo đó, hợp đồng xác định thời hạn chỉ được ký thêm một lần, nếu người sử dụng lao động vẫn tiếp tục sử dụng lao động thì phải ký hợp đồng không xác định thời hạn.
Về chính sách đào tạo lại cho người lao động khi mất việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ tại doanh nghiệp, ở Điều 17 luật hiện hành, tại Dự thảo 5 được chuyển trách nhiệm cho Chính phủ. Tuy nhiên, tới Dự thảo 6, sau khi thảo luận nhiều lần, Ban soạn thảo đã nhất trí ý kiến của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, giữ lại quy định cũ: Người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự luật này.
Nghĩa Nhân