Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang nghe phản ánh về tình trạng chống tham nhũng. Ảnh: A.N. |
Năm 2007, cả nước phát hiện hơn 580 vụ, gần 1.300 người có hành vi tham nhũng, gây thiệt hại khoảng 865 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo hầu hết ý kiến tại buổi giao ban, đây mới là kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Sắp tới, tệ nạn này có thể còn nghiêm trọng hơn.
Ông Mai Quốc Bình, Phó tổng thanh tra kiêm Cục trưởng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, cho rằng, kinh tế Việt Nam hiện phát triển tốc độ cao, đầu tư nước ngoài vào mạnh mẽ và cám dỗ vật chất với những người có địa vị xã hội theo đó cũng lớn hơn, đặc biệt ở lĩnh vực quản lý bất động sản, đất đai, các dự án kinh tế...
"Tình hình này cũng giống như nước chảy xiết, người lái thuyền phải vững. Nếu tay lái yếu, thuyền dễ va kẹt, thậm chí chìm xuống", ông Bình cảnh báo.
Cũng theo ông Bình, thanh tra các bộ, ngành trong 10 năm qua hầu như không tự phát hiện được tham nhũng. Việc ngăn chặn bên trong yếu, thường phải từ ngoài "áp" vào. Tới đây, thanh tra Chính phủ sẽ "tác nghiệp" trong hoạt động của ngành thuế, cổ phần hóa doanh nghiệp, quản lý đất đai, các dự án nông nghiệp, dịch vụ công và những lĩnh vực khác.
Theo nhiều đại diện ngành và UBND tỉnh, thực tế có hiện tượng bao che, cho "chìm xuồng" tham nhũng và trù dập người tố cáo. Cấp chức năng cần xem xét bảo vệ cho những người chống tham nhũng, giúp họ có chỗ đứng vững để đấu tranh tiếp.
"Người chống tham nhũng còn có gia đình, vợ con. Cần có cơ chế bảo vệ họ để mọi người tin tưởng, dũng cảm tham gia công tác này", đại diện UBND tỉnh Đà Nẵng kiến nghị.
Kết thúc buổi giao ban, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, hàng trăm vụ khởi tố vừa qua cho thấy, hầu như cấp nào, lĩnh vực nào cũng có tham nhũng.
Thủ tướng chỉ ra một loạt nhiệm vụ và giải pháp phải triển khai, đẩy mạnh thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế thủ tục theo hướng kinh tế thị trường, vì nó có tác dụng phòng ngừa, đồng thời chống tham nhũng. "Thủ tục chỉ vướng một câu, một chữ là sẽ "đẻ" ra những phiền hà", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở các cấp, ngành phải giáo dục ý thức phòng chống tham nhũng cho cán bộ và cho rằng, Đề án 112 là một bài học về vấn đề này. Theo Thủ tướng, việc để Văn phòng Chính phủ quản lý Đề án 112 và ông Vũ Đình Thuần, nguyên Phó văn phòng chính phủ làm Trưởng ban điều hành là không đúng.
"Việc giao quyền hạn quá lớn đã tạo ra tham nhũng. Ông Thuần lợi dụng vị trí của mình chiếm tới 30% chi phí trong các dự án in tài liệu, mua sắm phần mềm... Người cán bộ như vậy là không có lương tâm, đạo đức", Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh chưa có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng phải lập ngay ban này. Trưởng ban không đòi hỏi nghiệp vụ cao mà cần trách nhiệm và cơ chế tác nghiệp, sự gương mẫu. Các trưởng ban phải kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc cấp, ngành trực thuộc làm đúng trách nhiệm, đúng pháp luật trong đấu tranh với tham nhũng.
Thanh Lương - An Nhơn