Dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều tổ chức, cá nhân. Trong bối cảnh đó, nhiều người chuyển hướng kinh doanh online để duy trì hoạt động và tạo cơ hội trở mình trong giai đoạn bình thường mới.
Theo Sách trắng thương mại điện tử năm 2021 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành, có khoảng 49,3 triệu người tiêu dùng Việt tham gia mua sắm trực tuyến trong năm 2020. Con số này tăng hơn 10% so với năm 2019 và xấp xỉ 50% so với trước đó ba năm. Giá trị mua sắm bình quân mỗi người cũng tăng gần 7%, lên 240 USD.
Song hành với mua sắm online, theo các chuyên gia là thanh toán trực tuyến. Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, những người bán hàng cũng đang chuyển đổi, đưa sản phẩm lên thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, thay đổi phương thức giao dịch, ưu tiên thanh toán không tiếp xúc.
Chị Nga (29 tuổi) là chủ một chuỗi cửa hàng xách tay ở thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Từ khi dịch bệnh bùng phát, cửa hàng của chị cũng phải đóng cửa liên tục. Chị chuyển qua hoạt động online trên các sàn thương mại điện tử, Facebook. Nhờ nắm bắt tốt xu thế người dùng cũng như sự nhanh nhạy khi sử dụng các công cụ quảng cáo online, việc buôn bán của chị thuận lợi hơn nhiều so với trước đó.

Một lần đóng hàng cho khách mua online của chị Nga. Ảnh: NVCC
"Từ ngày tập trung bán online, tôi tiết kiệm thêm chi phí thuê cửa hàng. Tuy nhiên, có vấn đề phát sinh là nhiều khi không phản hồi sớm thắc mắc, tin nhắn của khách thì lại bị quy là kiêu, không cần khách", chị Nga kể. Giáp Tết, nhu cầu mua sắm tăng cao, chị càng quá tải. Vừa check đơn, chị vừa suy tính đến việc xoay vốn để nhập lô hàng mới gấp ba bốn lần thông thường cũng như tuyển thêm nhân viên hỗ trợ.
Buôn đồ điện tử gia dụng, anh Tâm (Hà Nội) cần số vốn lớn để nhập hàng bán cuối năm. Đã vay mượn người thân, bạn bè nhưng vẫn thiếu hơn 500 triệu đồng. Anh ngậm ngùi bỏ mối khách vì không thể xoay xở thêm. "Dù rất đáng tiếc nhưng tôi không thể làm gì hơn. Nếu lỡ hứa với khách mà không có hàng thì sẽ rất mất uy tín, thôi thì từ chối từ đầu", anh kể. Anh Tâm cũng không ít lần đau đầu vì thu tiền thủ công dẫn đến không kiểm soát được số tiền kinh doanh.
"Tôi dự định sẽ mở rộng quy mô hoạt động của cửa hàng trong năm sau nhưng có lẽ là cần một quy trình quản lý nghiêm túc, chứ không thể làm thủ công mãi được. 10-20 sản phẩm thì còn có thể kiểm soát được chứ nếu tăng lên 30-45 mã sản phẩm thì phải tính đến sự chuyên nghiệp, bài bản. Chưa kể các mặt hàng không phải loại giá rẻ 200.000-300.000 đồng", anh Tâm nói.
Lo ngại của chị Nga, anh Tâm là "bài toán" chung của nhiều người kinh doanh online hiện nay. Vậy, làm thế nào để các đơn vị kinh doanh nhỏ, các nhà bán hàng quản lý tài chính hiệu quả khi bán hàng trực tuyến? Vấn đề huy động vốn cho các cá nhân hoạt động ở lĩnh vực này trong thời điểm cuối năm có gì đặc biệt? Làm thế nào để các nhà bán hàng tối ưu các công cụ tài chính hướng đến sự phục hồi và bứt phá tăng trưởng dịp cuối năm cũng như năm 2022 sắp tới. Các vấn đề này sẽ được thảo luận tại tọa đàm "Giải pháp quản lý tài chính hiệu quả khi kinh doanh trực tuyến mùa Tết" do VnExpress phối hợp cùng Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) thực hiện.
Độc giả quan tâm đặt câu hỏi tại đây. |
Tham gia tọa đàm lần này có bà Nguyễn Quỳnh Nga - Giám đốc Phân khúc khách hàng, ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). Tại sự kiện, bà Nga sẽ trao đổi về các vấn đề chính của khách hàng cá nhân kinh doanh trực tuyến như chưa biết cách quản lý kho vận, gặp trục trặc trong khâu vận chuyển, khó khăn khi cần vốn để xoay vòng, chưa biết cách tối ưu các công cụ thương mại điện tử. Theo đó, bà Nga cũng sẽ tư vấn cách quản lý tài chính hiệu quả cũng như tiếp cận nguồn vốn dễ dàng cho nhóm khách hàng này.
Khách mời tọa đàm còn có anh Vũ Minh Trà (Trà Bô) - Founder & CEO Babyhop, Shoptida. Anh Trà sở hữu một cửa hàng trên thương mại điện tử với lượng người theo dõi ấn tượng. Kinh doanh từ năm 2014, sau 4 năm, ông chủ 8x vận hành chuỗi 5 cửa hàng, có văn phòng riêng. Tuy nhiên, sau khi tiếp cận thương mại điện tử, anh Trà lần lượt đóng cửa các cửa hàng. Đến giữa năm 2019, tất cả được chuyển về một địa điểm rộng khoảng 500 m2, xây dựng cả văn phòng và kho. Mục đích của anh là điều hướng tất cả lên các sàn thương mại điện tử.
Cùng với chuyên gia MSB, anh Vũ Minh Trà sẽ chia sẻ những khó khăn của người kinh doanh online mùa cao điểm, từ khâu vận hành đến quản lý tài chính. Với kinh nghiệm của bản thân, anh Trà cũng sẽ tiết lộ cách dẫn dắt thương hiệu trực tuyến của mình phát triển trong thời gian qua.
Tọa đàm lần này tiếp tục mang đến cho các độc giả những món quà giá trị khi theo dõi và tham gia minigame. Độc giả quan tâm có thể đón xem talkshow Thẻ Xanh Tài Chính chuyên đề "Giải pháp quản lý tài chính hiệu quả khi kinh doanh trực tuyến mùa Tết" lúc 14h30, ngày 22/12 trên VnExpress.net và nền tảng mạng xã hội VnExpress.
Huyền Anh