Đại dịch virus Corona (COVID-19) tác động khác nhau tới từng nhóm đối tượng. Nhiều người đã mất việc và phải ở nhà. Nhưng qua Hương - một đồng nghiệp ở UNDP Việt Nam - người chịu trách nhiệm về các hoạt động liên quan người khuyết tật và bản thân là người khiếm thị, chúng tôi thấy những thách thức mà người khuyết tật đang phải đối mặt thậm chí còn lớn hơn.
Anh Xuân và chị Dương là hai người khiếm thị đã lặn lội từ miền quê nghèo Nghệ An vào Nam ra Bắc kiếm việc. Hết bươn trải bán hàng rong trong Thành phố Hồ Chí Minh với thu nhập chẳng là bao, anh Xuân lại ngược ra Hà Nội xin làm mát xa ở các cơ sở của người khiếm thị. Sau một thời gian dành dụm, hai anh chị mới mở được một cơ sở riêng cho mình.
Bão COVID-19 ập đến. Từ đầu tháng 3, ngay khi ca dương tính đầu tiên ở Hà Nội được phát hiện, dù biết sẽ phải hy sinh nguồn thu nhập duy nhất của gia đình, hai anh chị đành quyết định đóng cửa cơ sở mát xa để phòng bệnh cho cậu con trai nhỏ, bé Kiên, vốn cũng bị khiếm thị và có sức khỏe kém.
Không có thu nhập, họ chỉ biết dựa vào sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè để sống qua ngày. Đáng buồn, anh Xuân, chị Dương và Kiên không phải là trường hợp duy nhất trong cộng đồng người khuyết tật bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID 19 hiện nay.
Theo Khảo sát quốc gia về Người khuyết tật thực hiện năm 2016, người khuyết tật chiếm 7% dân số ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật và con số này đang gia tăng vì tình trạng già hóa dân số và do hậu quả của tai nạn giao thông. Khảo sát này cũng cho thấy hộ gia đình có người khuyết tật có nguy cơ nghèo cao gấp hai lần so với hộ gia đình không có người khuyết tật. Trên thực tế, khoảng 18% người khuyết tật hiện đang sống ở các hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam.
Nhiều người khuyết tật cảm thấy dễ bị tổn thương và đôi khi gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Đó là lý do tại sao nhiều người trong số họ đã hạn chế di chuyển ngay từ đầu tháng 1 năm nay, vì sợ lây nhiễm. Người khuyết tật có thể không tiếp cận được thông tin cập nhật về virus và cách tự bảo vệ bản thân một cách dễ dàng, nhanh chóng. Nhiều người khuyết tật có nhu cầu về dịch vụ y tế và phục hồi chức năng nhưng không thể tiếp cận trong hoàn cảnh hiện tại. Những người khuyết tật nặng cần sự hỗ trợ và chăm sóc từ những người khác nay cũng khó có thể tiếp tục nhận hỗ trợ.
Nhiều người khuyết tật đã mất việc hoặc thu nhập bị giảm đáng kể trong vài tuần qua. Các doanh nghiệp xã hội thường là các đơn vị tuyển dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người khuyết tật. Tuy nhiên, kết quả của một nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn các doanh nghiệp xã hội sẽ bị đình trệ hoạt động hoặc thậm chí phá sản nếu dịch COVID-19 kéo dài đến mùa thu. Và điều này sẽ gây ra những tác động đáng kể đến cuộc sống của người khuyết tật.
80% người khuyết tật hiện sống ở khu vực nông thôn, và họ có thể phải đối mặt với những khó khăn còn lớn hơn nữa. Những thách thức người khuyết tật phải đối mặt càng trở nên trầm trọng hơn trong thời kỳ COVID-19.
Trong thời điểm hiện tại, tiếp cận thông tin là chìa khóa để tránh bị nhiễm bệnh. Như bất cứ ai, người khuyết tật cần biết cách tự bảo vệ mình, đặc biệt từ những khuyến cáo và biện pháp phòng ngừa mới nhất do các cơ quan chức năngban hành. Bộ Y tế đã nỗ lực đáng kể trong tuyên truyền tới mọi người dân về cách bảo vệ bản thân trước dịch COVID-19, đơn cử như rửa tay đúng cách, và UNDP đã góp phần vào nỗ lực này bằng cách hỗ trợ dịch các thông điệp quan trọng đó sang ngôn ngữ ký hiệu. Do tình hình dịch bệnh thay đổi mỗi ngày, người khuyết tật cần nắm được các thông tin mới nhất. Và một trong những kênh thông tin phổ biến cho người khuyết tật đó là qua truyền hình. Thật đáng mừng khi chúng ta có thể thấy VTV1 đã thêm phần dịch ngôn ngữ ký hiệu vào một bản tin chính, và một lần nữa UNDP rất vui được hỗ trợ sáng kiến này.
Nhằm thúc đẩy các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 đảm bảo sự hòa nhập của người khuyết tật, một trong những bước đầu tiên là tìm hiểu tác động kinh tế xã hội của dịch COVID 19 với người khuyết tật. Sau khi tham vấn với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UNDP hiện đang tiến hành một đánh giá nhanh thông qua khảo sát trực tuyến với người khuyết tật. Kết quả của đánh giá này sẽ cung cấp thông tin hữu ích để có những hỗ trợ trọng tâm cho người khuyết tật, bao gồm tăng cường tiếp cận với trợ giúp xã hội. Nhờ đó, người khuyết tật sẽ được hưởng lợi từ những hỗ trợ trọng tâm hơn để họ có thể phục hồi các hoạt động tạo thu nhập. Đồng thời, các đơn vị tuyển dụng người khuyết tật như các doanh nghiệp xã hội, có thể được ưu tiên nhận hỗ trợ ngay.
Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam vì đã áp dụng những biện pháp chưa có trong tiền lệ để ứng phó với dịch COVID-19. Tỷ lệ nhiễm bệnh tiếp tục duy trì ở mức tương đối thấp, và số bệnh nhân được điều trị thành công hiện nhiều hơn số bệnh nhân đang nhiễm bệnh. UNDP luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong giai đoạn quan trọng này. Đặc biệt chúng ta cần đảm bảo quan tâm tới các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng, trong đó có người khuyết tật.
UNDP cam kết "Không để ai bị bỏ lại phía sau" trong Cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 và hỗ trợ ứng phó đảm bảo sự hòa nhập của người khuyết tật.
Caitlin Wiesen