Tại cuộc họp báo chiều 16/8, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết "chùm vụ án" Việt Á xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh, vì vậy Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực có chủ trương phân loại xử lý người vi phạm.
Theo đó, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định nhằm mang lại lợi ích cho bản thân và Công ty Việt Á; người cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi... "sẽ bị nghiêm trị".
Nhóm được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng không phải chịu trách nhiệm dân sự là những người thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh, không có động cơ vụ lợi. Họ không được hưởng lợi và ở tuyến đầu chống dịch, chủ yếu vi phạm trong hoạt động đấu thầu. "Vi phạm của họ để lại hậu quả lớn, phải xử lý, nhưng xảy ra trong hoàn cảnh dịch bệnh nên Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương tha, miễn", ông Yên nói.
Ông giải thích "chủ trương nghiêm khắc nhưng nhân văn" này nhằm để đội ngũ y bác sĩ, những người không may bị xử lý sẽ yên tâm công tác. Việc này đã được vận dụng khi xét xử cựu phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh hồi tháng 7.
Đến nay, các cơ quan tố tụng đã khởi tố 111 người trong "chùm" 33 vụ án liên quan Công ty Việt Á. Trong số này có 3 nguyên Ủy viên Trung ương là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng cùng hàng loạt lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế tại nhiều địa phương.
Theo ông Yên, các cơ quan tố tụng cố gắng từ nay đến cuối năm sẽ kết thúc điều tra, truy tố, xét xử.
Vụ án Việt Á được coi là điển hình về "tham nhũng có hệ thống" do tính quy mô, xảy ra từ cơ quan, bộ ngành trung ương đến các địa phương; thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Kết quả điều tra ban đầu xác định, nhằm thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào của kit test Covid-19. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Việt Á chi "hoa hồng" lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.