Sau gần 5 tiếng công bố bản cáo trạng tại TAND Hà Nội, chiều 3/1, trước khi bắt đầu xét hỏi, HĐXX cách ly 4 bị cáo: Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh (thư ký của ông Long), Trịnh Thanh Hùng (cựu vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ).
Trong một tiếng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt đã trả lời về ba giai đoạn: tham gia đề tài nghiên cứu kit test; cấp phép lưu hành và mua bán sản phẩm tại tỉnh thành.
Cả ba giai đoạn, bị cáo Việt đều thừa nhận "nhiều khó khăn chứ không suôn sẻ", hồ sơ bị trả đi trả lại nhiều lần. Trước câu hỏi "khó khăn thì làm gì?", Việt trả lời đã nhờ nhiều người, tác động nhiều nơi để được "tạo điều kiện".
"Khó khăn vì người khác gây ra hay do chủ quan là tình hình dịch bệnh?", chủ tọa hỏi. Việt đáp nhanh: "À, không, chủ yếu do tình hình dịch Covid cấp bách thôi ạ. Tất các đơn vị liên quan khi đó đều vô cùng thận trọng, cả một hệ thống đều thận trọng để mong muốn có kit test chất lượng. Vì thế, các công việc đều tiến hành chậm, rất thận trọng".
Và khi phải nhờ vả để "sớm thông suốt công việc", Việt khai hầu hết các lần đều thông qua thư ký Huỳnh. Ví dụ, khi Việt Á mang kit test đi kiểm nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hồ sơ bị trả lại và Việt phải nhờ thư ký Huỳnh "tác động, gửi gắm".
Sau khi kit test được cấp phép lưu hành tạm thời, Việt Á phải đợi thêm 8 tháng để được Bộ Y tế cấp phép chính thức. Việt lại nhờ ông Huỳnh "liên hệ giúp" với bị cáo Nguyễn Minh Tuấn, khi đó là Vụ trưởng Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế.
Thừa nhận "chỉ biết nhờ, cũng không biết họ tác động thế nào và tác động được đến đâu", song ông chủ Việt Á cho hay sau mỗi lần đều đưa tiền cho người có thẩm quyền giải quyết vì "cảm kích", chứ không có thỏa thuận chia chác. Việt khai thấy các cán bộ này "đều rất vất vả, tận tâm, chu đáo" với công việc nói chung và với Việt Á nói riêng nên muốn "chia sẻ lợi ích trên tinh thần Á Đông".
"Về số tiền đã đưa, chắc bị cáo đã khai rất nhiều lần và chính bị cáo có thể cũng không nhớ chính xác, nhưng hôm nay tại tòa, HĐXX vẫn có trách nhiệm yêu cầu bị cáo khai lại từng khoản", chủ tọa Trần Nam Hà hỏi.
Như nội dung cáo trạng nêu, Tổng giám đốc Việt Á khai đã đưa cho cựu vụ phó Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD; cho ông Trịnh 200.000 USD; Nguyễn Minh Tuấn 300.000 USD; Nguyễn Nam Liên, cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, nhận 100.000 USD; cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh 200.000 USD...
Với cựu bộ trưởng Long và thư ký Huỳnh, HĐXX hỏi: "Có phải đã đưa Huỳnh 4 lần, tổng 2,25 triệu USD và 4 tỷ đồng?", Việt đáp đúng. "Đưa tiền cho Huỳnh để làm gì?", chủ tọa truy vấn.
Tổng giám đốc Việt Á phân trần, mình và Huỳnh quen biết từ 2017, mối quan hệ "hầu như không dính líu công việc", chơi thân thiết như anh em. Khoảng cuối 2020, Huỳnh chia sẻ rằng đang có "khó khăn tài chính" , cần tiền để hỗ trợ ông Long "một số công việc".
"Vậy bị cáo tự nguyện đưa hay ai yêu cầu đưa bao nhiêu?", chủ tọa hỏi. Việt ngập ngừng đáp: "Huỳnh nhờ hỗ trợ, nói: 'Sếp (ông Long)' có một số việc cần, em hỗ trợ. Bị cáo bảo: Vâng, em có khả năng thế nào em sẽ giúp đến vậy".
HĐXX ngay sau đó trích lời khai của bị cáo giai đoạn điều tra: "Huỳnh yêu cầu tôi đưa một triệu USD, tôi nói nhiều quá không có luôn, phải đợi vài hôm".
"Bị cáo có giữ nguyên lời khai này không?", chủ tọa hỏi. Việt đáp "có".
Việt giãi bày, tất cả tiền đưa đều phải "mượn nóng" bạn bè, vì thời điểm đó, năm 2020, công ty chưa được thanh toán nên chưa có nguồn thu. Việt vay tiền đồng, sau đó để kế toán công ty đổi sang USD, rồi mình "tự tay xách" từ TP HCM ra Hà Nội đưa cho các cựu quan chức này. "Thời gian đó, xác định dùng USD cho tiện", Việt khai tại phiên tòa trong chiều 3/1.
Với cùng lý do "chia sẻ", Việt cho hay đã đưa bị cáo Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC tỉnh Hải Dương, tới 27 tỷ đồng, mức tiền chỉ sau cựu bộ trưởng Long. Việt giải thích "Hải Dương là một kỷ niệm lớn" với Việt Á khi 30 nhân viên đã về đây chống dịch xuyên Tết Nguyên đán 2021. Việt thấy Hải Dương đã "đồng hành với mình quá nhiều" nên khi xong công việc thấy cần cảm ơn.
Việt cho rằng đưa tiền "lại quả" này không phải hối lộ, vì diễn ra sau khi công việc hoàn tất, đôi bên không có thỏa thuận và hơn nữa còn chuyển tiền vào tài khoản của ông Tuyến.
"Nếu xác định đó là hối lộ, đã không bao giờ chuyển khoản", Việt khai.
Chủ tọa truy vấn: "Nếu muốn cảm ơn, tri ân CDC, sao không chuyển vào số tài khoản của CDC mà lại vào tài khoản của cá nhân giám đốc làm gì?" Việt cười, phân trần: "Cái việc này thực ra ở Việt Nam mình nó nhạy cảm. Ví dụ, bây giờ con gái muốn biếu riêng tiền cho bố mẹ đẻ....", Việt ngay lập tức bị chủ tọa ngắt lời do trả lời lan man.
Phạm Dự - Thanh Lam