"Nhìn vào các ca nhiễm trong hai tháng qua, khi biến chủng Delta trở thành chủng trội tại đất nước, những người chưa được tiêm chủng có nguy cơ nhiễm virus cao hơn khoảng 4,5 lần, khả năng nhập viện cao gấp 10 lần và nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao gấp 11 lần", giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky cho biết hôm 10/9.
Theo dữ liệu của CDC, tỷ lệ người được tiêm chủng đầy đủ vẫn nhiễm nCoV tại Mỹ đã tăng lên khi biến chủng Delta hoành hành khắp đất nước. Nghiên cứu đến giữa tháng 7 cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine đối với nguy cơ nhập viện và tử vong vẫn ở mức tương đối cao.
Tuy nhiên, dữ liệu mới của CDC cung cấp thêm bằng chứng về khả năng ngăn bệnh trở nặng của vaccine đang suy giảm ở nhóm những người cao tuổi nhất. Điều này dường như cho thấy phương án tiêm mũi vaccine tăng cường có thể trở nên cần thiết trong những tháng tới đối với nhiều người.
Những nghiên cứu của CDC được công bố trong bối cảnh Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận 41.727.730 ca nhiễm và 676.345 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 157.950 và 1.602 trường hợp so với một ngày trước đó.
Trong nỗ lực thúc đẩy tiêm vaccine ngày càng mạnh mẽ, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/9 thông báo kế hoạch 6 điểm mới của chiến dịch tiêm chủng quốc gia bao gồm những quy định chặt chẽ.
Các doanh nghiệp trên 100 nhân viên được yêu cầu tiêm vaccine Covid-19 cho toàn bộ nhân sự, hoặc tiến hành xét nghiệm nCoV hàng tuần. Quy định này có thể ảnh hưởng tới 80 triệu người, được đánh giá là cứng rắn nhất từ trước tới nay để chống lại chủng Delta.
Kế hoạch của Biden cũng đòi hỏi tất cả nhân viên và nhà thầu của chính phủ phải tiêm vaccine Covid-19. Các nhân viên chính phủ Mỹ hiện được yêu cầu phải tiêm vaccine hoặc xét nghiệm thường xuyên. Khoảng 17 triệu nhân viên chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở nhận tài trợ từ chương trình Medicare hoặc Medicaid của chính phủ Mỹ cũng phải tiêm vaccine.
Toàn cầu đã ghi nhận 224.583.908 ca nhiễm nCoV và 4.628.846 ca tử vong, tăng lần lượt 655,.816 và 11.402, trong khi 201.111.317 trường hợp đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tại châu Âu, Đan Mạch hôm 10/9 bỏ yêu cầu xuất trình Coronapass khi tới hộp đêm, chấm dứt biện pháp hạn chế chống dịch cuối cùng ở nước này. Coronapass là một loại "thẻ xanh Covid-19", giúp chứng minh người dùng đã tiêm vaccine, hoặc đã hồi phục sau khi mắc Covid-19 từ hai đến 12 tuần qua, hay có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trong vòng 72 tiếng trước.
Coronapass được Đan Mạch áp dụng từ tháng 3, khi nước này từ từ nới lỏng các biện pháp ngăn Covid-19. Khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, Đan Mạch đã dỡ bỏ hầu hết hạn chế như đeo khẩu trang hay duy trì khoảng cách và không yêu cầu xuất trình Coronapass tại phần lớn địa điểm công cộng.
Quyết định dỡ bỏ mọi biện pháp phòng chống Covid-19 của Đan Mạch được đưa ra sau khi giới chức nước này xác định Covid-19 "không còn là mối đe dọa xã hội nghiêm trọng" nhờ vào quy mô tiêm chủng rộng, với 73% trong 5,8 triệu dân và 96% người từ 65 tuổi trở lên đã được tiêm đầy đủ.
Trong khi đó tại Australia, số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày lần đầu tiên lên đến gần 1.900, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 69.912, bao gồm 1.076 trường hợp tử vong. Bang New South Wales (NSW), tâm điểm của đợt bùng phát lần này, báo cáo kỷ lục 1.542 ca nhiễm cộng đồng mới.
Australia đang trong làn sóng đại dịch thứ ba, với sự lây lan của biến chủng Delta buộc giới chức phải từ bỏ chiến lược "không Covid" và chuyển sang kế hoạch sống chung với virus. Mục tiêu hiện nay là bắt đầu nới lỏng hạn chế sau khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao hơn.
Bất chấp số ca nhiễm tăng mạnh, chính quyền NSW hôm 9/9 cho biết các doanh nghiệp tại thành phố Sydney có thể tái mở cửa sau khi 70% dân số trưởng thành của bang được tiêm đủ hai liều vaccine, mục tiêu dự kiến đạt được vào khoảng giữa tháng 10. 76% người trên 16 tuổi ở NSW đã được tiêm ít nhất một liều, 44% đã được tiêm đầy đủ.
Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Singapore hôm 10/9 báo cáo 568 ca nhiễm nCoV mới trong cộng đồng, con số cao nhất kể từ tháng 8/2020, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 70.612, trong đó 58 trường hợp đã tử vong.
"Sự gia tăng số ca nhiễm hàng ngày nhanh chóng và theo cấp số nhân chúng ta đang chứng kiến là điều mà mọi quốc gia tìm cách sống chung với Covid-19 đều phải trả qua vào một thời điểm nào đó", Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết.
Để hỗ trợ hệ thống y tế, Singapore sẽ để thêm nhiều ca nhiễm nCoV đã được tiêm chủng phục hồi tại nhà, đồng thời khởi động chương trình tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường cho những nhóm dễ bị tổn thương. Giới chức cũng quyết định giảm thời gian cách ly từ 14 xuống 10 ngày đối với những người tiếp xúc gần với ca nhiễm.
Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong, đồng trưởng nhóm chuyên trách Covid-19, cho hay chỉ số quan trọng giúp xác định các động thái tái mở cửa là số bệnh nhân được điều trị tích cực trong 2-4 tuần tới, nói thêm rằng nếu các con số vẫn ở mức kiểm soát được, Singapore sẽ tiếp tục kế hoạch tái mở cửa.
Ánh Ngọc (Theo CBS, SCMP, Reuters)