Bạn của bạn bị ba mẹ bỏ rơi từ nhỏ, sống với cô cậu nhưng không cho nhập khẩu, không thể làm căn cước công dân, thuộc trường hợp người không có nơi thường trú, nơi tạm trú.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021, người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo ngay thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
Trường hợp qua kiểm tra, rà soát, cơ quan đăng ký cư trú phát hiện người thuộc trường hợp phải khai báo thông tin về cư trú thì có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu công dân đó thực hiện việc khai báo.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu công dân khai báo thông tin về cư trú, công dân phải có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký cư trú để thực hiện khai báo.
>>Phẫu thuật thẩm mỹ đến mức nào sẽ phải làm lại thẻ căn cước, hộ chiếu?
Từ đó, cơ quan đăng ký cư trú sẽ tiến hành xác minh thông tin nhân thân mà bạn của bạn đã khai báo qua trao đổi, lấy thông tin từ cha, mẹ, anh, chị em ruột hoặc người thân thích khác. Trường hợp cần thiết, có văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan kiểm tra, xác minh và cung cấp thông tin.
Sau khi xác minh thông tin khai báo chính xác, cơ quan đăng ký cư trú thực hiện thủ tục cần thiết để cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập, cấp số định danh cá nhân cho công dân. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin của công dân vào cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo, cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân.
Khi bạn của bạn được cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú thì có thể đăng ký thường trú khi đủ điều kiện.
- Đối với thủ tục đăng ký thường trú: Thủ tục đăng ký thường trú được thực hiện trực tiếp tại công an cấp xã hoặc công an cấp huyện (ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã) hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua các cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
- Đối với trình tự cấp thẻ căn cước công dân: Bạn của bạn có thể trực tiếp đến cơ quan công an có thẩm quyền nơi bạn thường trú, tạm trú để đề nghị cấp thẻ căn cước công dân.
Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội