Cựu binh lục quân Adam Smith-Connor, 51 tuổi, bị kết tội vào tháng 10/2024 vì cầu nguyện trong yên lặng bên ngoài một phòng khám phá thai ở thị trấn Bournemouth, hạt Dorset, tây nam nước Anh hồi tháng 11/2022. Hành động của Smith-Connor vi phạm lệnh cấm biểu tình trong vùng đệm xung quanh phòng khám. Ông được tại ngoại có điều kiện trong hai năm và phải nộp phạt 9.000 bảng Anh (hơn 11.000 USD).
Theo hồ sơ của tòa án, Smith-Connor khi đó chắp tay, cúi đầu bên ngoài cơ sở phá thai để cầu nguyện ba phút cho con trai chưa chào đời. Bào thai bị phá cách đó 22 năm và khiến Smith-Connor rất hối hận.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức ngày 14/2, Phó tổng thống Mỹ JD Vance nhắc đến trường hợp của Smith-Connor khi chỉ trích các quốc gia châu Âu hạn chế quyền tự do ngôn luận. Theo ông, Anh là trường hợp "đáng lo ngại nhất" về vấn đề này.
Phó tổng thống Mỹ đề cập thay đổi chính sách do chính phủ Anh ban hành, trong đó cấm các hành động biểu tình, bao gồm cả cầu nguyện, trong phạm vi vùng đệm 150 m xung quanh các phòng khám phá thai kể từ cuối tháng 10/2024. Một lệnh cấm tương tự được ban hành ở Bắc Ireland năm 2023 và lệnh cấm khác có hiệu lực tại Scotland vào 24/9/2024.
Smith-Connor bị truy tố theo lệnh bảo vệ không gian công cộng, được hội đồng địa phương ban hành vào năm 2022 để bảo vệ phòng khám ở Bournemouth vì địa điểm này từng là mục tiêu của người biểu tình. Lệnh này tạo ra khu vực xung quanh cơ sở để những phụ nữ ghé đến và nhân viên cơ sở có thể ra vào mà không bị người vận động chống phá thai quấy rối hay lăng mạ.
![Adam Smith-Connor, người bị truy tố vì cầu nguyện trước một cơ sở phá thai ở Anh hồi năm 2022. Ảnh: Tổ chức Hỗ trợ pháp lý ADF International](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/16/pho-tong-thong-my-chi-trich-an-4665-4545-1739675014.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UxJ8ZhJzhsvLHLHTDlML-Q)
Adam Smith-Connor, người bị truy tố vì cầu nguyện trước một cơ sở phá thai ở Anh hồi năm 2022. Ảnh: Tổ chức Hỗ trợ pháp lý ADF International
Công đảng sau đó đã phát triển quy định này thêm, thiết lập vùng đệm được pháp luật bảo vệ xung quanh các cơ sở phá thai, dẫn đến những cuộc đối đầu mới trong cuộc chiến giữa "tự do ngôn luận" và bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ.
Smith-Connor cho biết ông "vô cùng xúc động" khi biết Phó tổng thống Mỹ đề cập trường hợp của mình trước các lãnh đạo chính trị, sĩ quan quân đội và nhà ngoại giao ở châu Âu.
"Cuộc đời của con trai tôi, Jacob, tuy ngắn ngủi nhưng rất quan trọng và tôi vô cùng xúc động khi giá trị sống của con được những người khác công nhận", ông nói. "Là người Công giáo, tôi cho rằng cũng giống như tôi, ông Vance thừa nhận mọi ca phá thai đều là thảm kịch, không chỉ đối với đứa trẻ mất đi mạng sống mà còn cả với gia đình các bé".
Smith-Connor cũng "rất vui mừng" khi ông Vance "vạch trần thực tế" về kiểm duyệt ở Anh. "Tôi vô cùng biết ơn vì Phó tổng thống Mỹ đã chỉ ra sự suy thoái các quyền tự do cơ bản ở Anh và buộc Anh phải chịu trách nhiệm vì truy tố người vô tội. Anh là nền dân chủ được thành lập dựa trên sự tôn trọng tuyệt đối các quyền tự do cơ bản. Mỹ làm được việc đúng đắn và tốt đẹp khi vạch trần thực tế những gì đang diễn ra. Anh đang trải qua cuộc khủng hoảng kiểm duyệt", ông cho hay.
Trong khi Mỹ đang "tái cam kết với quyền tự do ngôn luận", Smith-Connor lo ngại Anh dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Keir Starmer đang ngày càng xa rời quyền này.
Theo Smith-Connor, bình luận của Phó tổng thống Mỹ "cho thấy những gì đang bị đe dọa nếu Anh không sửa đổi luật về vùng đệm xung quanh các cơ sở phá thai trên toàn quốc. "Những luật này chẳng làm được gì để bảo vệ phụ nữ, mà nhắm vào quyền tự do biểu đạt. Anh phải lắng nghe lời ông Vance và bắt đầu sửa đổi luật", Smith-Connor nói.
Smith-Connor từng là binh sĩ được triển khai đến Afghanistan, trong khi ông Vance từng phục vụ trong Thủy quân Lục chiến Mỹ và được triển khai đến Iraq. Smith-Connor cho biết trải nghiệm này khiến ông "vô cùng biết ơn về những quyền tự do mà chúng tôi được hứa hẹn với tư cách công dân Anh" và cảnh báo "những quyền đó đang dần mất đi".
Phó tổng thống Mỹ phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 14/2. Video: Reuters
Chính phủ Anh chưa đưa ra phản ứng chính thức về phát biểu của Phó tổng thống Mỹ ở Munich, nhưng các đảng phái đã bày tỏ sự giận dữ.
Người phát ngôn về các vấn đề đối ngoại của đảng Dân chủ Tự do ở Anh, Calum Miller, tuyên bố "Anh sẽ không tiếp thu những bài giảng về quyền tự do chính trị từ cấp dưới của một Tổng thống đã cố gắng hủy hoại nền dân chủ Mỹ và giờ lại ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin. Người dân Anh sẽ nhìn thấu hành động đạo đức giả này".
Đảng Xanh mô tả bài phát biểu của ông Vance "kỳ lạ và nguy hiểm". "Việc Phó tổng thống Vance sử dụng Hội nghị An ninh Munich để chỉ trích đồng minh thay vì tập trung vào những bên thực sự gây hỗn loạn trên thế giới là điều đáng buồn", Ellie Chowns, người phát ngôn của đảng về các vấn đề đối ngoại, cho hay.
"Chính quyền Tổng thống Trump dường như quyết tâm mở ra thế giới mới, nơi những người bạn lâu năm bị loại bỏ. Anh không nên tham gia vào việc đó, mà nên hợp tác với các nước khác để bảo vệ các khuôn khổ và thể chế quốc tế hỗ trợ hợp tác và thượng tôn pháp luật", bà Chowns nói thêm.
Huyền Lê (Theo Telegraph, AFP)