Ngày 18/10, Apple cho biết sẽ ngừng bán Watch Series 9 và Watch Ultra 2, mới ra mắt vào tháng 9, trên website từ ngày 21/12, sau đó mở rộng ra các cửa hàng của hãng từ 24/12 tại thị trường Mỹ. Động thái này nhằm tuân thủ phán quyết từ tháng 10 của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC).
Đây được xem là chiến thắng cho nỗ lực của ông Joe Kiani, nhà sáng lập kiêm CEO Masimo. "Đây không phải là vi phạm ngẫu nhiên, nó là hành vi cố ý chiếm đoạt tài sản trí tuệ của chúng tôi", Kiani nói với Bloomberg.
Tranh chấp pháp lý giữa Apple và Masimo đã diễn ra nhiều năm, đặc biệt từ khi Apple ra Watch Series 6 vào tháng 9/2020 với cảm biến đo oxy trong máu.
Kiani sinh năm năm 1965 tại Iran. Năm 9 tuổi, ông cùng gia đình chuyển đến San Diego (Mỹ), nơi cha ông theo học bằng NBA. Gia đình sống trong ngôi nhà thuê giá rẻ ở Huntsville. Khi ông 14 tuổi và chị gái 15 tuổi, cha mẹ ông quay lại Iran làm việc, để cả hai ở Mỹ.
Năm 15 tuổi, ông tốt nghiệp phổ thông. Ông cho biết nền tảng kiến thức khi học ở Iran, đặc biệt là môn toán, cho phép ông học vượt lớp. Một năm sau, ông cùng chị gái đăng ký học tại Đại học Bang San Diego. Ông theo học ngành kỹ thuật điện, kết hợp làm bán thời gian tại phòng ăn và phụ trách quản lý chung cư nơi đang sống. Ông cũng tham gia mọi lớp học với giáo sư Fred Harris, một chuyên gia trong lĩnh vực xử lý tín hiệu.
Năm 1985, Kiani tốt nghiệp đại học. Hai năm sau, ông nhận bằng thạc sĩ kỹ thuật điện và gia nhập công ty bán dẫn Anthem Electronics, đồng thời nhận một công việc khác là thiết kế máy đo nồng độ oxy trị giá 100 USD cho một công ty khởi nghiệp.
Trong quá trình đó, ông nhận ra những thiết bị này hay phát cảnh báo sai, thường được kích hoạt khi bệnh nhân vô tình cử động ngón tay. Với chuyên môn về xử lý tín hiệu và bộ lọc thích ứng, ông đưa ra biện pháp giúp hạn chế tình trạng trên. Tuy nhiên, công ty này không quan tâm đến đề xuất của Kiani. Năm 1989, khi 24 tuổi, ông quyết định thế chấp căn nhà đang ở tại Nam California lấy 40.000 USD và thành lập công ty Masimo. Văn phòng đặt tại gara để xe của ngôi nhà, còn ông vẫn tiếp tục công việc ở Anthem Electronics. Theo lời kể năm 2013 với sinh viên Đại học Chapman, Kiani đã làm việc 7 ngày một tuần và chỉ nghỉ 2-4 ngày cuối tuần trong suốt 7 năm.
Sử dụng phương trình được mô tả "giống như một thứ gì đó tương tự toán lớp năm", Kiani tìm ra cách giữ cho máy đo nồng độ oxy trong mạch ngay cả khi bệnh nhân đeo chúng di chuyển. Điều này đặc biệt hữu dụng cho trẻ sơ sinh. Ông nhận sáng chế mới sau đó.
Kiani liên hệ với bốn công ty Mỹ với hy vọng tích hợp công nghệ Masimo vào hệ thống, nhưng không ai đồng ý. Doanh nghiệp nước ngoài mới là khách hàng đầu tiên, gồm NEC của Nhật Bản và một số công ty châu Âu.
Masimo muốn thâm nhập bệnh viện, nhưng không thể vì các đối thủ đã ký thỏa thuận từ lâu. Chỉ sau khi một bài báo của New York Times phanh phui "thế giới ngầm" này vào 2002, công ty của Kiani mới được chú ý. Năm 2007, Masimo lên sàn chứng khoán Mỹ. Công ty hiện có vốn hóa thị trường 6 tỷ USD, còn Kiani sở hữu khối tài sản hơn 1,3 tỷ USD, theo Forbes.
Trở lại năm 1999, Kiani phát hiện nhiều đối thủ sử dụng sáng chế của công ty mà không xin phép. Cùng năm, Masimo kiện tập đoàn Nellcor, buộc họ bồi thường hơn 800 triệu USD. 10 năm sau, Masimo tiếp tục kiện Royal Philips, buộc công ty này trả hơn 300 triệu USD vào năm 2016.
Ngay sau khi Masimo ra mắt máy đo nồng độ oxy trong máu đầu tiên kết hợp smartphone vào năm 2013, Kiani nhận được cuộc gọi từ Apple. Ông đến trụ sở của hãng để đàm phán, nhưng không tìm được tiếng nói chung. Cùng năm, giám đốc y tế của Masimo gia nhập Apple. Một năm sau, một giám đốc khác cũng đầu quân cho Apple. Trong phỏng vấn của Bloomberg năm ngoái, ông cho biết Apple đã "săn lùng" 25 kỹ sư của công ty khi đó.
Sau thời gian này, Apple nộp một số bằng sáng chế mà Kiani khẳng định là dựa trên công nghệ do ông tạo ra. Năm 2020, đơn kiện được gửi lên ITC. Trong hồ sơ tiếp theo vào năm 2021, Masimo cáo buộc Apple về 103 trường hợp vi phạm trên năm bằng sáng chế khác nhau. ITC sau đó kết luận Apple vi phạm hai bằng sáng chế, yêu cầu công ty ngừng bán hai mẫu smartwatch mới nhất.
Về phán quyết của ITC, Kiani cho biết ông sẵn sàng đàm phán với Apple. "Tuy nhiên, họ cần một lời xin lỗi", ông nói với Bloomberg sau thông báo của ITC.
Hiện chưa rõ lệnh cấm có hiệu lực trong bao lâu. Hai bằng sáng chế của Masimo có thời hạn đến tháng 8/2028. Ngoài ra, Apple đang chờ quyết định cuối cùng từ Tổng thống Mỹ vào ngày 25/12. Tuy nhiên, hãng cho biết "đang thực hiện bước đi trước". Trong lịch sử, tổng thống Mỹ cũng hiếm khi đi ngược lại phán quyết của ITC. Lần gần nhất là vào năm 2013, khi tổng thống lúc đó là Barack Obama phủ quyết việc cấm bán iPhone sau tranh chấp pháp lý với Samsung.
Việc hai smartwatch mới nhất không thể bán ngay trước Giáng sinh được đánh giá sẽ tác động không nhỏ tới Apple và chuỗi cung ứng. Thiết bị đeo là một trong những mảng kinh doanh quan trọng của hãng với 13,48 tỷ USD doanh thu trong quý I/2023. Theo Business Insider, lệnh cấm có thể khiến công ty thiệt hại từ 300 triệu đến 400 triệu USD doanh thu.
Bảo Lâm