Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - chi nhánh Vietinbank TP HCM, đang thụ án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được trích xuất tới phiên xử với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo cơ quan công tố, ngày 22/3/2010, Thường trực HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) thống nhất chủ trương "ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền đồng, USD tại các tổ chức tín dụng".
Tổng giám đốc ACB phê duyệt gửi 1.500 tỷ đồng trong thời hạn 6 tháng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương Việt Nam (Vietinbank). Bảo Ngọc và Huỳnh Thị Ngọc Ánh (phó phòng kế toán) được giao liên hệ các chi nhánh, phòng giao dịch của Vietinbank thăm dò lãi suất huy động tiền gửi, yêu cầu mức lãi suất tối thiểu từ 17,5% đến 17,8%/năm.
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, Bảo Ngọc liên hệ với Huyền Như thỏa thuận lãi suất gửi có kỳ hạn từ 18,8% đến 20%/năm, tùy theo thời điểm. Lãi suất này bao gồm lãi suất trong hợp đồng 14%/năm, trả lãi sau; ngoài hợp đồng 4,8-6%/năm (trả riêng cho Bảo Ngọc 1-1,5%/năm). Lãi suất ngoài hợp đồng trả trước vào tài khoản của người gửi được mở tại Vietinbank TP HCM và chỉ được rút khi đến hạn thanh toán. Riêng Bảo Ngọc được trả trước theo chỉ định của cô ta mỗi lần gửi tiền.
Từ ngày 21/7/2011 đến 5/9/2011, Bảo Ngọc chỉ định 17 nhân viên gửi tiền và ký 32 Hợp đồng ủy thác gửi tiền với ACB đồng thời ký 32 hợp đồng gửi tiền với Vietinbank TP HCM. ACB đã chuyển gần 670 tỷ đồng vào tài khoản thanh toán của 17 nhân viên mở tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ củaVietinbank TP HCM.
Nhận số tiền trên, Huyền Như chuyển hơn 10 tỷ đồng vào tài khoản của nhân viên ACB để trả lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng; chuyển gần 4 tỷ đồng vào tài khoản của Huỳnh Thị Chiêu Uyên (chị gái của Bảo Ngọc) trả lãi chênh lệch riêng cho Bảo Ngọc.
Theo nội dung hợp đồng gửi tiền, các chủ tài khoản tiền gửi đã ký các lệnh chi để chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, Bảo Ngọc không yêu cầu 17 nhân viên gửi tiền phải nhận các thẻ tiết kiệm để quản lý.
Nhà chức trách cho rằng lợi dụng các điều kiện do Ngọc tạo ra ở trên, Huyền Như đã chiếm đoạt gần 670 tỷ đồng tiền gửi bằng việc làm giả 9 lệnh chi của 6 chủ tài khoản, chuyển hơn 120 tỷ đến tài khoản người khác. Huyền Như còn lập 89 thẻ tiết kiệm, tổng số tiền hơn 530 tỷ đồng và không giao cho các chủ thẻ.
Trong một vụ án được điều tra trước đó, Huyền Như với cáo buộc chủ mưu gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng trong đó có hành vi chiếm đoạt số tiền trên và đã bị tuyên án tù chung thân.
Tại phiên phúc thẩm tháng 1/2015, ngoài giữ nguyên mức án với Huyền Như, TAND Tối cao tại TP HCM đã kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố một số người "giúp sức" cho siêu lừa này, trong đó có Bảo Ngọc.
Tại phiên toà hôm nay (ngày 23/9), Bảo Ngọc khai: “Chúng tôi thoả thuận số tiền gửi, người gửi, lãi suất gửi và hợp đồng tiền gửi; không có thoả thuận riêng như quy kết”. Khi ra tòa bị cáo mới biết việc đó là sai quy định. Bị cáo Bảo Ngọc phủ nhận việc thoả thuận tiền “lại quả” từ Huyền Như theo tỷ lệ từ 1 đến 1,5%.
Đối chất điều này, Huyền Như nói giữa tháng 6/2011 nhận được điện thoại của Bảo Ngọc hỏi về lãi suất của từng kỳ hạn gửi, lãi suất vượt ngoài và có nói sẽ trả ngay lãi suất chênh lệch cho bên gửi. Huyền Như khẳng định đã trả cho Bảo Ngọc khoảng 3,7 tỷ đồng và chuyển vào tài khoản của Huỳnh Thị Bảo Uyên (chị gái Ngọc). “Đây là tiền chênh lệch ngoài lãi suất tiền gửi (1-1,5%)”, Huyền Như khai.
Trong khi đó bị cáo Bảo Ngọc phủ nhận: “Đó là việc của chị Như và chị Uyên với nhau, tôi không biết. Tôi không có nhận bất cứ đồng nào”. Đáp lại, Như cho rằng, không biết Uyên là ai, Ngọc là người cho số tài khoản để gửi khoản tiền trên.
Toà tuyên bố sẽ nghị án đến chiều mai (24/9). VKS đề nghị phạt Bảo Ngọc từ 16 đến 17 năm tù.
Liên quan việc ủy thác gửi tiền trên, một loạt lãnh đạo cấp cao của ACB bị tuyên phạt về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, ông Nguyễn Đức Kiên (cựu phó chủ tịch ACB) án 18 năm, ông Lý Xuân Hải (cựu tổng giám đốc ACB) lĩnh 8 năm tù. Ba phó chủ tịch HĐQT ACB gồm Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang bị phạt 3-5 năm, cựu phó tổng giám đốc Huỳnh Quang Tuấn chịu hình phạt 2 năm. |
Việt Dũng