Nhiều người Italy cả nam và nữ gần đây đồng loạt đăng lên mạng xã hội video cảnh họ nhìn vào camera trong im lặng và tự đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, bên cạnh một đồng hồ đếm ngược 10 giây.
Đây là một trào lưu mới có hastag #10secondi trên mạng xã hội Italy. Người xem có thể cảm thấy không thoải mái, song mục đích của người quay là cho thấy "10 giây có thể lâu đến mức nào".
Xu hướng này xuất phát từ một phán quyết gây tranh cãi gần đây của tòa án trong vụ nhân viên quét dọn 66 tuổi tại một trường trung học ở thủ đô Rome có hành vi sờ soạng một nữ sinh 17 tuổi hồi năm ngoái.

Cảnh cắt từ một video theo trào lưu 10secondi ở Italy. Ảnh: BBC
Nữ sinh cáo buộc người đàn ông cố tình đụng chạm vào vòng ba của mình khi cô đang đi lên cầu thang và trình báo với cảnh sát. Nghi phạm thừa nhận sự việc, nhưng nói rằng đó "chỉ là một trò đùa".
Viện kiểm sát đề nghị người này mức án 3,5 năm tù về tội tấn công tình dục, nhưng thẩm phán bác bỏ và tuyên nghi phạm vô tội, với lý do sự việc "không cấu thành hành vi phạm tội vì kéo dài chưa đầy 10 giây".
Nữ sinh bức xúc rằng "đây không phải một trò đùa" và cảm thấy "bị phản bội bởi hệ thống tư pháp". Cô lo sợ phán quyết này sẽ ngăn cản nhiều phụ nữ tố giác tội phạm tấn công tình dục.
Sau phán quyết, hastag #10secondi trở thành xu hướng trên Instagram và TikTok ở Italy, cùng với palpata breve, nghĩa là "sờ soạng chớp nhoáng".
Diễn viên Paolo Camilli đã khởi xướng phong trào này bằng cách đăng video tự "sàm sỡ" bản thân, sau đó hàng nghìn người đã có hành động tương tự để phản đối phán quyết của tòa. Một số người chỉ tự sờ soạng trong 9 giây và dừng lại trước khi hết giờ, nhằm mỉa mai rằng mọi thứ đã chấm dứt trước khi bị cho là tấn công tình dục.
Video của Chiara Ferragni, người nổi tiếng trên mạng xã hội Instagram ở Italy, đã thu hút hơn 29,4 triệu follower.
"Ai quyết định 10 giây không phải một thời gian dài? Ai tính giây khi đang bị quấy rối? Không ai có quyền này dù chỉ một giây, đừng nói là 5 hay 10 giây", Francesco Cicconetti, người có ảnh hưởng trên TikTok, viết.
Theo Cơ quan Quyền Cơ bản (FRA) thuộc EU, 70% phụ nữ Italy bị quấy rối giai đoạn 2016-2021 đã không trình báo sự việc.
Đức Trung (Theo BBC, NY Post)