Giống như nhiều khu vực khác ở phía đông Rome, cư dân ở Pigneto chia ra làm hai, cùng tồn tại nhưng hiếm khi hòa nhập.
Đầu tiên, đó là những cụ già sống trong các tòa nhà xây cách đây hàng thập kỷ. Họ lang thang ở những quán rượu địa phương hoặc ngồi đọc báo trên băng ghế. Khi Covid-19 bắt đầu tấn công Italy, họ là những người đầu tiên biến mất bởi chính phủ khuyến cáo các cụ già không ra ngoài.
Thứ hai, đó là những nghệ sĩ trẻ và người làm nghề tự do, thường tụ tập ở những quán cafe hay quán rượu đông đúc. Họ cố gắng hòa nhập với cuộc sống bình thường cho đến thứ tư tuần trước, khi tất cả các cửa hàng và dịch vụ không thiết yếu phải tạm đóng cửa.
Dù khiến con người tránh xa nhau về mặt vật lý, Covid-19 lại kết nối hai đối tượng trên về mặt tình cảm. Từ trước khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực, nhiều người trẻ từ 25 đến 30 tuổi ở Pigneto đã đăng ký làm tình nguyện viên giúp đỡ các cụ già đi chợ hoặc làm việc vặt.
Diana Armento 30 tuổi, điều phối viên dự án hỗ trợ người già của tổ chức Sparwasser cho biết chỉ trong ba ngày kêu gọi, cô đã nhận được hơn 200 đơn đăng ký.
Các tình nguyện viên được phân công giúp đỡ người cao tuổi sống gần mình, vừa để dễ theo dõi phòng trường hợp lây nhiễm vừa để tiết kiệm thời gian đi lại.
"Chúng tôi cố gắng duy trì thói quen của người già bằng cách đi tới cửa hàng quen thuộc của họ hoặc hỏi họ thích những nhãn hiệu nào", Diana tiết lộ. Không có tiếp xúc trực tiếp nào bởi các tình nguyện viên chỉ để túi đồ trước cửa nhà.
"Rất nhiều người muốn nhìn mặt và ôm tình nguyện viên nhưng không thể nên họ ra ban công nói vọng xuống", Diana nói thêm.
Diana hiểu, giao tiếp là nhu cầu cấp thiết của người già. "Qua điện thoại, bạn có thể cảm nhận họ rất cần nói chuyện. Họ dành cả ngày trước tivi nên hoặc là rất sợ, hoặc là không tin những gì đang diễn ra", nữ điều phối viên lý giải. "Tôi biết một cụ bà cầu nguyện không ngừng vì nghĩ dịch bệnh là sự trừng phạt của Chúa".
Sau Sparwasser, nhiều tổ chức khác ở Rome và khắp Italy cũng nhanh chóng tiến hành các dự án tương tự.
"Người già rất cần giúp đỡ. Chỉ mình chính quyền địa phương không thể đáp ứng đủ". Alberto Campailla, người đứng đầu một tổ chức hỗ trợ người nghèo cho biết. Mùa dịch này, Campailla cùng các tình nguyện viên phân phát thực phẩm đến tận nhà cho người già.
Tại Biccari, thị trấn nhỏ thuộc vùng Puglia miền nam Italy, 2.800 cư dân sống gần gũi. Trẻ em chơi ở quảng trường còn người già ngồi ở quán rượu địa phương, người qua đường luôn luôn dừng lại để trò chuyện với các chủ quán. "Mỗi cuộc gặp là một cơ hội chào hỏi nên khi lệnh phong tỏa được áp dụng, chúng tôi nhận thấy rất rõ sự mất kết nối", Gianfilippo Mignogna, thị trưởng Biccari cho biết.
Để người già không cảm thấy cô đơn, Biccari lập ra đường dây nóng để họ có thể gọi mỗi khi cần giúp đi chợ, mua thuốc men hay những việc vặt khác. Giải pháp này cũng giúp thị trấn kịp thời theo dõi sức khỏe của cư dân. Dù chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào, họ cũng không thể chủ quan bởi bệnh viện gần nhất cách tới 30 km, chưa kể hệ thống y tế ở miền nam Italy không tốt như ở miền bắc.
Ở San Leo, một ngôi làng nhỏ ở Emilia Romagna, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, sự đoàn kết của cộng đồng giúp người già vượt qua lệnh cách ly. Các tình nguyện viên vận chuyển thực phẩm và thuốc men trong khi các cửa hàng sẵn sàng cho khách hàng lớn tuổi "mua chịu". Như thế, mọi người sẽ biết rằng luôn luôn có ai đó sẵn sàng giúp đỡ họ.
Minh Trang (theo DW)