Cơn sốt mặt nạ phòng độc xuất hiện đầu tiên ở Haifa, thành phố miền bắc Israel và rất gần với thủ đô Damacus, Syria, nơi vừa xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8. Suốt nhiều ngày nay, hàng nghìn người đã tập trung ở sân vận động thành phố, nơi vừa được biến thành trung tâm phân phối mặt nạ phòng độc tạm thời, từ tờ mờ sáng.
Thời tiết oi bức và không gian chật chội khiến người dân bực tức và quay ra gây gổ với cảnh sát, những người được giao nhiệm vụ phải kiểm soát đám đông thật chặt chẽ.
"Chúng tôi bị đối xử như súc vật chứ không phải người", Telegraph dẫn lời ông Harry Kamal, 67 tuổi, người bị yêu cầu rời khỏi khu vực phân phối.
Ông Kamal, người chỉ còn một quả thận, cho biết ông đã phải chịu cái nóng như thiêu đốt suốt 5 giờ. "Tôi cho họ thấy các tài liệu chứng tỏ tôi bị bệnh, thế mà họ chỉ đáp rằng 'Nó không giúp được ông đâu' rồi yêu cầu tôi ra ngoài", ông bức xúc nói.
Miri Lugasi, 33 tuổi, người đã đi hơn 32 km từ Nahariya, một thành phố sát với Li-băng, bằng taxi, để nhận 7 chiếc mặt nạ phòng độc cho cô và cả gia đình, nói: "Bạn có thể kiên nhẫn trong một giờ, nhưng suốt 5 tiếng liền như thế thì không. Tôi thậm chí còn tới nhầm điểm phân phối vì họ không hề thông báo với chúng tôi về việc nó đã bị chuyển sang nơi khác".
Thậm chí các gia đình có con nhỏ, vốn thường được xếp vào diện ưu tiên, cũng phải trải qua hàng giờ liền xếp hàng trong mệt mỏi.
Cơn sốt mặt nạ chống độc là hệ quả của những tuyên bố sẽ tấn công Syria của Mỹ và các nước phương Tây. Để làm yên lòng người dân, giới chức Israel đã tuyên bố sẽ không có chuyện chính quyền Bashar al-Assad tấn công vào nước này.
Tuy nhiên, cơn hoảng loạn vẫn chưa hề có dấu hiệu lắng, bởi số lượng mặt nạ chỉ đủ để cung cấp cho 60% dân số của Israel.
Tình trạng hỗn loạn còn lan tới cả các thành phố miền nam như Jerusalem, nơi truyền thông cho biết nhiều kẻ đã lao vào ăn trộm mặt nạ phòng độc và chạy trốn hôm thứ tư.
Về phía người dân Haifa, nguồn gốc cơn sợ hãi của họ còn đến từ cuộc chiến tranh hồi năm 2006 của nước này với Hezbollah, một tổ chức chính trị có vũ trang ở Li-băng.
Sandra Ruderman, 46 tuổi, nói cô rất hiểu tầm quan trọng của những chiếc mặt nạ sau khi chứng kiến một quả tên lửa Katyusha, loại vũ khí được Hezbollah sử dụng chủ yếu trong cuộc xung đột năm đó, bị bắn thẳng vào nhà cô. Ruderman phải sống tại hầm trú ẩn suốt vài tuần trong tình trạng thiếu nước và thức ăn khi đó.
Giới chức ở Haifa đã tăng cường lượng binh sĩ làm nhiệm vụ gần hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome. Hệ thống này được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ một nhà máy hóa dầu khổng lồ, được coi như mục tiêu tiềm năng cho mọi cuộc tấn công. Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tại một căn cứ quân sự bên trong thành phố cũng đã được khởi động.
Video: Cơn sốt mặt nạ phòng độc ở Israel
Quỳnh Hoa