Là quốc gia gây ô nhiễm biển xếp thứ hai thế giới sau Trung Quốc, Indonesia đã cam kết giảm 70% rác nhựa thải xuống biển vào năm 2025 bằng cách tăng cường tái chế, nâng cao nhận thức cộng đồng và hạn chế dùng đồ nhựa.
Giải pháp đổi chai nhựa lấy vé xe buýt gây tiếng vang lớn ở Surabaya, thành phố 2,9 triệu dân ở phía đông đảo Java, miền bắc Indonesia. Có tới gần 16.000 người tới đổi rác nhựa lấy vé xe buýt mỗi tuần.
"Đây là giải pháp rất thông minh. Thay vì vứt bỏ chai lọ, giờ người ta thu nhặt và mang chúng tới đây để đổi vé miễn phí", Fransiska Nugrahepi, 48 tuổi, nhận xét.
Một vé xe buýt cho chuyến đi dài một tiếng, không giới hạn điểm dừng, được đổi bằng ba chai nhựa cỡ lớn, 5 chai cỡ vừa hoặc 10 cốc nhựa, với điều kiện chúng phải được làm sạch và không bị bẹp méo. Dòng người mang theo những chiếc túi đựng đầy chai lọ xếp hàng chờ đổi vé tưởng như không bao giờ ngớt.
Franki Yuanus, một quan chức giao thông vận tải ở thành phố Surbaya, cho biết ngoài mục tiêu giảm rác thải, chương trình còn giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khi khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng.
"Dư luận có phản hồi rất tốt", Yuanus nói. "Trả tiền vé bằng chai nhựa khiến người ta vui vẻ vì từ trước tới nay, rác thải nhựa luôn bị coi là vô dụng".
Hiện thành phố có 20 chiếc xe buýt mới, mỗi chiếc trang bị thùng rác và người soát vé đi lại trên lối đi để thu nhặt bất kỳ chai lọ nào bị bỏ lại. Tháng trước, chính quyền thu thập được 6 tấn rác nhựa và đem bán cho công ty tái chế.
Mỗi tuần một lần, Nurhayati Anwar lại đi xe buýt cùng con trai 3 tuổi. Cô cho hay chính sách đổi rác đang thay đổi cách nhìn của người dân về cốc, chai lọ vứt đi.
"Bây giờ ở công sở hay ở nhà, người ta đều cố gắng thu thập rác thay vì vứt đi", kế toán viên 44 tuổi nói sau khi đổi vài cái chai lấy vé miễn phí. "Bây giờ chúng tôi hiểu rằng nhựa không tốt cho môi trường. Mọi người ở Surabaya bắt đầu tìm hiểu về tác hại của nó".
Ở những khu vực khác tại Indonesia, đất nước có 17.000 hòn đảo, chính quyền cũng đang cố gắng giải quyết vấn đề rác nhựa. Bali đã cấm ống hút và túi nhựa dùng một lần, còn Jakarta đang cân nhắc đưa ra luật tương tự để cấm mua sắm bằng túi nhựa.
Chính quyền các nước trên thế giới cũng đang thực hiện nhiều biện pháp hơn để hạn chế mối đe dọa của nhựa dùng một lần. Báo cáo năm 2016 của quỹ Ellen MacArthur cảnh báo đến năm 2050, tổng trọng lượng rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá trong đại dương. Ước tính mỗi năm có tới 8 tấn rác nhựa bị thải ra biển.
"Nó tương đương với mỗi phút lại có một xe tải đổ rác nhựa vào đại dương. Nếu không hành động ngay, đến năm 2030, con số này sẽ là hai xe rác mỗi phút và năm 2050 là 4 xe mỗi phút", báo cáo có đoạn.
Hồng Hạnh (Theo AFP)