Phát biểu trước đám đông tại Athens, Thủ tướng Alexis Tsipras cũng đưa ra thông điệp "nước đôi" khi một mặt phản đối đề nghị thắt lưng buộc bụng từ phía chủ nợ, song cũng mong muốn nước này vẫn sẽ tiếp tục ở lại khu vực đồng tiền chung (eurozone).
“Không một ai có quyền đe dọa hay loại bỏ Hy Lạp khỏi châu Âu, không ai có thể chia rẽ Châu Âu”, ông tuyên bố.

Có khoảng hơn 20.000 người ủng hộ thủ tướng Tsipras tập trung tại quảng trường Syntagma . Ảnh: Bloomberg
Nhắc lại lịch sử nước này, người đứng đầu Chính phủ Hy Lạp cũng không quên việc khẳng định bản thân từ "châu Âu" (Europe) cũng bắt nguồn từ ngôn ngữ nước ông. “Hy Lạp sẽ ở lại trong nền dân chủ châu Âu”, vị này khẳng định và cho biết rất muốn được cùng người dân xây dựng một Hy Lạp tốt đẹp hơn sau 5 năm thảm họa.
Trong khi đó, đám đông công chúng tỏ ra phân hóa trước lời kêu gọi này. Những người ủng hộ thủ tướng Tsipras nhiệt liệt hưởng ứng trước lời kêu gọi nói "Không" trước những điều khoản của gói cứu trợ quốc tế.
Tuy nhiên hàng ngàn người trong một đám đông khác lại lo ngại rằng điều này sẽ khiến Hy Lạp bị đẩy ra khỏi eurozone. Họ cho rằng ông Tsipras không thể đảm bảo được lời hứa khi trúng cử. “Họ không thể mãi giả vờ rằng Hy Lạp sẽ không rời khỏi châu Âu”, một bác sĩ nói với AFP và cho rằng nghèo đói là tất yếu khi Hy Lạp đi theo con đường này.
Một khảo sát với 1.402 người Hy Lạp được Bloomberg tiến hành cho biết 43% khước từ yêu cầu từ phía chủ nợ để đổi lấy viện trợ, trong khi có 42,5% ngỏ ý chấp thuận. Kết quả tương tự cũng được chỉ ra từ một bản khảo sát khác của hãng nghiên cứu Ipsos, với tỷ lệ phiếu thuận 44% và phiếu chống 43%.

Biếm họa trên The Economist - Chủ nợ: "Nếu là ông (Tsipras), tôi sẽ không giậm chân liên tục như vậy nữa".
Về phần mình, Thị trưởng Athens - George Kaminis cho rằng cuộc trưng cầu dân ý đang gây chia rẽ người dân và ảnh hưởng xấu tới nước này.
Trong khi Chính phủ Hy Lạp tin rằng việc người dân bỏ phiếu chống sẽ tăng ưu thế của họ trên bàn đàm phán, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claud Junker và trưởng nhóm Bộ trưởng Tài chính châu Âu – Jeroe Dijsselbloem quả quyết rằng điều này sẽ chỉ làm Hy Lạp mất lợi thế và một phiếu thuận cũng không làm tình hình trở nên dễ dàng hơn.
“Để Hy Lạp quay trở lại quỹ đạo và nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, những quyết định khó khăn cần phải được đưa ra” - Ông Dijsselbloem khẳng định.
Tuy vậy, dấu hiệu nhượng bộ đã được nhìn thấy từ phía các chủ nợ. Bộ trưởng tài chính các nước châu Âu cho biết họ sẽ có thể phải bàn bạc thêm về một gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp ngay cả khi người dân nước này bỏ phiếu chống. Chủ tịch Hội đồng châu Âu - Donald Tusk cho rằng khu vực này có thể sẽ phải làm quen với viễn cảnh Hy Lạp vỡ nợ những vẫn ở lại khối Eurozone.
Theo đánh giá của The Economist, nếu Hy Lạp tiếp tục không thể chi trả khoản nợ tổng cộng 3,5 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 20 tháng này, tương lai của nước này tại eurozone là rất mỏng manh, dẫu đa số người dân bỏ phiếu thuận.
Kinh tế trưởng Philip Shaw của hãng quản lý đầu tư Investec nhận định, lịch sử cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã trải qua 5 năm rưỡi đầy biến cố và kết quả của cuộc trưng cầu dân ý sẽ có thể là "sự bắt đầu của một chương mới đầy phức tạp".
Đức Anh (theo BBC)