Đại diện Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết chức năng chính của ứng dụng là phản ánh vi phạm quy định về hút thuốc lá ở nơi công cộng, ví dụ tên, địa chỉ và cơ sở vi phạm... Cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận thông tin qua ứng dụng và xác minh, xử lý. Như vậy, ứng dụng này là công cụ giúp người dân tố cáo nhanh người có hành vi hút thuốc ở nơi công cộng.
Vn0khoithuoc được phát triển trên hai hệ điều hành iOS và Android để người dân thuận tiện cài đặt và sử dụng. Ứng dụng này là một phần của dự án Tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua thí điểm mô hình huy động sự tham gia của cộng đồng. Hai quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm triển khai thí điểm từ hôm nay, kéo dài 6 đến 9 tháng.
Theo đại diện Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Việt Nam nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc từ năm 2001. Giai đoạn từ 2015 đến 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm; tỷ lệ hút thuốc ở độ tuổi học sinh giảm hơn 2% so với giai đoạn 2013-2019, còn 2,78% vào năm 2019.
Tuy nhiên, công tác phòng chống thuốc lá vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu do các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện nhiều, ví dụ thuốc lá điện tử, không đốt nóng, shisha, bán ở nhiều nơi, dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, nhiều người chưa tuân thủ "không thuốc lá" khi ở địa điểm cấm hút. Tỷ lệ hút thuốc đã giảm song vẫn ở mức cao.
Hà Nội, Khánh Hòa và TP HCM là ba tỉnh, thành phố có tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất, lần lượt là gần 8%, 6% và hơn 5%. Đây là cơ sở để Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá xây dựng ứng dụng Vn0khoithuoc. Bộ Y tế kỳ vọng tăng hiệu quả thực hiện môi trường không khói thuốc, tận dụng sức mạnh cộng đồng phát hiện vi phạm về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Một số quốc gia như Indonesia, Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, đã xây dựng ứng dụng tương tự. Một số nghiên cứu cho rằng những ứng dụng di động giúp tăng nhận thức của cộng đồng về vi phạm phòng chống tác hại của thuốc lá; phù hợp ở các thành phố, đô thị, phù hợp với nhóm trẻ tuổi.
Theo các tài liệu nghiên cứu, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất độc hại, gây ra khoảng 25 căn bệnh cho người sử dụng như: Ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, khí phế thũng, rụng tóc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe phụ nữ mang thai và trẻ em.
Việt Nam áp dụng luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá từ năm 2012, trong đó cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và khuôn viên cơ sở y tế, giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí cho trẻ em, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ, nơi làm việc, trường đại học, cao đẳng, học viện và các phương tiện giao thông công cộng như ôtô, máy bay, tàu điện...
Khoản 1 Điều 25 Nghị định 117 năm 2020 quy định cảnh cáo hoặc phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng người hút thuốc tại địa điểm cấm hút. Người hút thuốc lá trên máy bay sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Chi Lê