Thuốc lá làm giảm khả năng đào thải mỡ trong máu. |
Các chuyên gia tim mạch khẳng định điều này tại hội thảo khoa học về bệnh rối loạn lipid máu và những thách thức trong điều trị, tổ chức chiều 1/6 tại TP HCM.
Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), rối loạn lipid máu là hiện tượng trong máu có một lượng mỡ thừa bao gồm cholesterol, triglycerid, phospholipid và acid béo tự do. Khi các chất này vượt quá giới hạn bình thường thì gọi là tăng lipid huyết hay rối loạn lipid máu.
"Bệnh nhân đái tháo đường, người bị béo phì, ít vận động thuộc nhóm nguy cơ mắc thừa mỡ trong máu. Tuy nhiên người hút thuốc lá cũng có khả năng bị chứng mỡ máu vì thuốc lá gây ảnh hưởng quá trình tiêu hủy mỡ", tiến sĩ Vinh nói.
Bác sĩ Vinh cho biết, để xác định bệnh nhân có mắc chứng thừa mỡ trong máu, các bác sĩ thường quan tâm đến triglycerid (một dạng mỡ trong cơ thể) cùng hai chất mang nhiệm vụ vận chuyển mỡ là HDL (high density lipoprotein) và LDL (low density lipoprotein). HDL vận chuyển cholesterol từ các mô, lòng mạch về gan và đào thải ra ngoài. Còn LDL có hại vì vận chuyển theo chiều ngược lại, gây ứ đọng mỡ trong lòng mạch máu tạo hiện tượng xơ vữa động mạch.
"Trong khi đó, thuốc lá chính là nguyên nhân làm giảm HDL đồng thời tăng LDL. Người hút thuốc càng nhiều thì lượng mỡ được đào thải càng kém khiến mỡ thừa trong máu. Lượng mỡ thừa trong máu thường chọn chọn mạch máu ở tim, mạch não để tụ lại khiến dòng chảy của máu bị ngăn lại và cục máu đông xuất hiện gây nhồi máu, đột quỵ", tiến sĩ Vinh nói.
Phó giáo sư Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp TP HCM cũng cho biết, rối loạn lipid máu nguy hiểm vì là nguyên nhân khiến nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng 7,4 lần; nguy cơ bệnh mạch vành tăng gấp 3 lần.
"Bệnh còn nguy hiểm ở chỗ, phương pháp điều trị bằng thuốc với chứng rối loạn lipid máu vẫn chỉ cho hiệu quả chưa cao. Các khảo sát tại châu Âu và châu Á đều cho thấy chỉ khoảng 50% bệnh nhân đạt được mục tiêu điều trị", ông Nhân nói.
Từ thực tế này, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch khuyên nên phòng bệnh hơn là đợi đến có bệnh rồi mới điều trị. "Cách điều trị dự phòng tốt nhất vẫn là thay đổi lối sống. Cụ thể là cân chỉnh chế độ ăn, năng tập thể dục và đặc biệt là không nên hút thuốc lá", tiến sĩ Vinh nói.
Ngoài ra, cũng theo các bác sĩ, việc xét nghiệm lipid máu ít nhất 5 năm một lần cũng là điều cần thiết để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị điều trị kịp thời.
Cao Lâm