Những người ở lại nhà máy Fukushima I sau thảm họa làm việc trong điều kiện khó khăn và nguy hiểm. Ảnh: AP |
Koichi Nakagawa kể với Newsweek rằng ông có thể rời đi ngay vào buổi chiều ngày 11/3/2011 khi ông thấy mặt đất rung chuyển, cuộn lên như sóng, cửa sổ vỡ toang và giọng một phụ nữ phát ra từ loa phát thanh "Hãy sơ tán! Hãy sơ tán!". Chẳng bao lâu sau hàng trăm công nhân đã rời đi, trong khi Nakagawa đứng như hóa đá.
40 phút sau, ông thấy toàn bộ đại dương như bị rút hết nước để rồi một cơn sóng cao 15 m ập vào bờ, tràn ngập khắp 6 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở phía đông bắc đất nước.
Nakagawa đã có thể sơ tán trong thời điểm đó vì xét cho cùng, ông cũng chỉ là nhà thầu phụ, phụ trách giám sát và vận hành nhà máy trong điều kiện bình thường. Nhưng sau đó Nakagawa trở thành một trong những người của đội "Fukushima 50" tìm cách chống chọi với nguy cơ thảm họa hạt nhân khủng khiếp nhất của thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl.
Do không ai được phép ở trong nhà máy Fukushima I quá 15 phút, nhóm người ở lại làm việc theo chế độ luân phiên để đảm bảo rằng luôn có 50 người cùng xuất hiện trong nhà máy nên Nakagawa và gần 200 người ở lại để cứu nhà máy được gọi là nhóm "Fukushima 50".
Trong 24 giờ đầu tiên, Nakagawa cùng những đồng nghiệp phải dọn đống đổ nát và các mảnh vỡ từ nhà máy, sau đó lực lượng cứu hỏa từ Tokyo mới đến để làm nguội các lò phản ứng bằng nước biển. Sau khi trở về tòa nhà trung tâm, ông thấy nhà máy như một bệnh viện dã chiến với những chiến binh kiệt sức. Sảnh chính chật cứng những công nhân mệt mỏi bàn tán về việc tăng nhiệt độ ở các lò phản ứng và mức độ phóng xạ ngày một cao ở nhà máy.
Trong khi đó, các lò phản ứng đang bị rò rỉ phóng xạ. Không có điện để bơm nước vào các lò phản ứng quá nóng, các thanh nhiên liệu sắp phát nổ. Các công nhân chạy đua để bơm nước biển vào, nhưng đã không kịp. Lò phản ứng số 1 phát nổ. "Tôi nghĩ, thế là hết rồi", Jiro Kimura, một công nhân đã gắn bó cả cuộc đời với công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết.
Sau khi lò phản ứng số 1 phát nổ, tất cả nhân viên từ lãnh đạo đến công nhân của TEPCO đều rất hoang mang, lo lắng. Vài ngày sau, lò phản ứng số 3 lại phát nổ. Các nhân viên tại nhà máy khá lo lắng về mức độ phóng xạ bị rò rỉ nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Sau đó, công ty còn cử thêm các chuyên gia và công nhân tới nhà máy để khắc phục sự cố. Nakawa tiếp tục làm việc cho đến tháng 8 thì được nghỉ để chăm sóc sức khỏe vì phơi nhiễm phóng xạ cao gấp ba lần mức cho phép.
Một năm đã trôi qua, chính phủ tuyên bố nhà máy Fukushima I đạt trạng thái "tắt nguội" và nằm trong tầm kiểm soát vào tháng 12 năm ngoái. Các nhà báo đã bắt đầu được tiếp cận với nhà máy nhưng các chuyên gia cho biết nguy hiểm vẫn chưa chấm dứt vì không xác định được vị trí của các thanh nhiên liệu tan chảy và việc hủy bỏ nhà máy Fukushima I phải mất nhiều thập kỷ mới hoàn thành.
Với những "người hùng Fukushima 50" thì nguy hiểm càng hiện rõ. Họ bị phơi nhiễm phóng xạ và chưa biết sức khỏe về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng đến đâu. Họ đã ở bên nhà máy trong thời khắc khó khăn nhất, hy sinh sự an toàn của mình và được nhắc đến như những "anh hùng thầm lặng", "anh hùng vô danh" của nước Nhật.
Vũ Hà