Một công chức ngành giáo dục tên Vũ Trọng Lương được cho là đã một mình làm cả hơn 300 bài thi trở thành xuất sắc.
Công chức Vũ Trọng Lương có thể một mình thực hiện vụ gian lận điểm kỳ vĩ với hơn 300 bài thi của hơn 100 thí sinh, chỉ trong vài tiếng đồng hồ hay không? Nghi vấn này sẽ được cơ quan chức năng làm rõ về sau. Song, dù thế nào, vụ gian lận này sẽ đi vào lịch sử khoa cử Việt Nam, bởi sau Hà Giang, đã xuất hiện trên truyền thông những nghi vấn tương tự ở các địa phương khác, như Sơn La, Lạng Sơn. Hiệu ứng domino được bắt đầu ở Hà Giang sẽ còn lan rộng mà không gì có thể ngăn cản được sự đổ vỡ toàn diện của cái gọi là kỳ thi THPT kiểu 2 trong 1 hiện đang được duy trì.
Tại thời điểm này, người ta chú ý đến câu chuyện điểm thi ở Hà Giang với một nhân vật Vũ Trọng Lương và sự gian lận về điểm số. Song, gian lận, và Vũ Trọng Lương chỉ là những thứ tiêu cực phái sinh từ một cuộc thi mà bản thân sự tồn tại của nó đã không còn hợp lý. Bởi, khi mà tấm vé vào tất cả các trường đại học trong toàn quốc phụ thuộc vào các hội đồng thi của địa phương mà không do chính các trường tự quyết, tự chịu trách nhiệm, thì ở bất cứ địa phương nào cũng có thể xuất hiện một phiên bản khác của Vũ Trọng Lương. Bởi, chỉ cần đi suôn sẻ đi qua kỳ thi, chất lượng của một trí thức trong tương lai như thế nào sẽ được đánh giá bằng ngôi trường mà trí thức đó học, chứ không dính líu gì đến hội đồng thi đó nữa.
Sự xuất hiện đầy ấn tượng của Vũ Trọng Lương hôm nay, vì thế, không chỉ là một đề tài giật gân về một dị nhân có khả năng sửa điểm thi 6 giây cho một bài, mà còn là động lực cho một cuộc cách mạng nhằm đổi thay toàn diện cách thức thi cử hiện hành.
Kỳ thi THPT quốc gia hiện nay đang được nhận diện là một sự kiện xã hội thường niên tốn kém hàng đầu về cả thời gian, tiền bạc, và sức lực của quốc gia. Nhưng, điều mà nó mang lại là gì? Nếu bỏ qua những yếu tố tiêu cực, kỳ thi này chỉ để xác định lại tính chính xác của cả một quá trình vốn dĩ đã có đầy đủ các cơ chế sát hạch.
Các cơ chế sát hạch chất lượng đào tạo THPT ở nước ta đã đủ mạnh hay chưa? Mỗi một năm học, học sinh đều phải trải qua 2 kỳ thi học kỳ, cùng với các mức độ kiểm tra từ ngắn (15 phút) đến dài (45 phút) cho từng môn học. Cơ chế đó, về lý thuyết, chặt chẽ hơn rất nhiều so với các trường THCS tại Mỹ, một nền giáo dục mà mọi gia đình có điều kiện tại Việt Nam đều mơ ước cho con em mình theo học.
Tại Mỹ phần lớn các bang không có kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc đánh giá học sinh được thực hiện bằng các kỳ sát hạch (3 tháng/lần). Học sinh học xong THPT có thể đăng ký vào các trường đại học bằng hồ sơ năng lực của mình, dựa trên kết quả các kỳ sát hạch ở bậc THPT, và bài luận về nguyện vọng vào trường đó.
Ngoài việc xác định lại tính chính xác của kết quả học tập sau 12 năm học tập với một cơ chế sát hạch vốn đã đầy đủ, kỳ thi THPT quốc gia hiện đang được tích hợp kết quả để dùng xác định đầu vào của các trường đại học. Đây lại là một điều bất hợp lý khác, bởi nó tước đi cơ hội của các trường đại học trong việc tuyển dụng đúng những con người thực sự có mong muốn được đào tạo. Các trường đại học không có cơ hội để xây dựng bộ đề thi phù hợp với đặc thù, mong muốn riêng của mình.
Đối với thí sinh, việc thi chung tốt nghiệp với tất cả các nguyện vọng một lần sẽ khiến họ có cơ may đỗ đại học, không trường này thì trường khác trong một lần thi. Bởi, họ có thể đăng ký trường mình thực sự muốn, và trường mình có thể đỗ. Nhưng, điều đó có thực sự tốt cho họ không? Bởi, khi trượt trường mình thực sự muốn, mà đủ điểm vào một trường khác dù không thực sự muốn, họ sẽ không còn động lực để cố gắng thi lại, để theo đuổi thứ mà mình thực sự muốn. Và đó chính là bi kịch của không chỉ cá nhân những con người đi lạc ngay khi bước qua ngưỡng cửa trưởng thành.
Những điều bất hợp lý của kỳ thi THPT Quốc gia không phải bây giờ mới xuất hiện. Song, khi mà các báo cáo "thành công tốt đẹp", khi mà nó vẫn thoả mãn số đông về cơ hội vào đaị học, người ta chưa có đủ động lực để thay đổi. Nhưng, với sự xuất hiện của Vũ Trọng Lương hôm nay, không ai có thể đủ trơ trẽn để thảo một cái báo cáo "thành công tốt đẹp" nữa, và niềm tự hào về kết quả thi của các địa phương, các gia đình cũng đã bị tổn thương nặng nề.
Vũ Trọng Lương đã xuất hiện như một tội đồ, một mình gánh cả sự thất bại của kỳ thi quốc gia. Song, ở một khía cạnh khác, cái tên Vũ Trọng Lương có thể sẽ còn được nhắc đến rất nhiều sau này, như một phần của lịch sử khoa cử Việt Nam, khi nó được thay đổi hoàn toàn về bản chất. Một sự thay đổi mang lại sự tự chủ của các trường đại học Việt Nam, và giải phóng hàng triệu con người khỏi những áp lực không đáng có mỗi mùa hè bởi một cuộc thi không hoàn toàn cần thiết.
Điều đó có xảy ra hay không? Vũ Trọng Lương có bất đắc dĩ trở thành một "người hùng" và được nhớ đến như Jean-Marc Bosman, cầu thủ người Bỉ đã làm thay đổi hoàn toàn cơ chế chuyển nhượng cầu thủ bóng đá trên thế giới năm 1990?
Phạm Trung Tuyến