6h30 ngày 20/9, ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, xuống đường thu dọn cây đổ dọc sông Hương. Một ngày trước, nhìn cảnh thành phố Huế tan hoang sau bão Noul, ông đã kêu gọi người dân chung sức cùng chính quyền dọn dẹp.
Cây đổ chủ yếu là phượng, bằng lăng tím được người dân dùng rựa chặt nhánh, thu gom vào một nơi. Những chiếc xe bán tải của cảnh sát giao thông, công ty vận tải được huy động chở cây gãy đổ về khu tập kết ở phường Kim Long.
Trong buổi sáng, nhiều cây gãy đổ nằm trên đường đi bộ dọc sông Hương cơ bản được dọn sạch. Nhánh cây được tập kết vào một điểm trong công viên Phú Xuân.
Trong khi đó, trên các tuyến đường như Lê Huân, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, 23/8 hàng trăm đoàn viên thanh niên, công an, quân đội tập trung dọn dẹp cây xanh.
Anh Nguyễn Phúc Bảo Minh ở phường Vỹ Dạ cho biết, anh và nhiều người bạn đã tập trung về đường Tôn Đức Thắng dọn dẹp cây xanh gãy đổ từ sớm. Đây là tuyến đường bằng lăng tím cổ thụ đẹp nhất ở thành phố Huế. Để thuận tiện, nhóm còn mua thêm cưa máy hơn 2 triệu đồng.
"Là người Huế, hàng ngày đi qua các tuyến đường phủ bóng cây xanh, tôi thấy xót xa khi chứng kiến cây gãy đổ nằm chất đống trên đường phố", anh Minh nói và cho rằng người Huế cần chung tay dọn dẹp và trồng lại cây xanh.
Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Thừa Thiên Huế, cho biết bão Noul làm hơn 10.000 cây xanh trên đường phố, công viên ở TP Huế bị gãy, đổ. Trong đó, nhiều cây cổ thụ vài chục tuổi, đường kính trên 30 cm.
"Đi đường nào cũng có cây xanh gãy đổ, nhiều tuyến sạch bóng cây xanh. Hai ngày qua, đơn vị huy động toàn bộ lực lượng, kể cả nhân viên văn phòng tham gia cắt xén cây", ông Chinh nói và cho rằng hai tuần tới đơn vị mới có thể dọn dẹp xong cây xanh gãy đổ vì số lượng quá lớn và trên diện rộng.
Nhiều năm làm công tác chăm sóc cây xanh, ông Chinh nhận định bão Noul đổ bộ vào Thừa Thiên Huế có cường độ gió lớn hơn so với dự báo mới làm nhiều cây đổ như vậy. "Lần đầu tôi mới thấy cây xanh ở Huế bị gãy đỗ do bão nhiều đến vậy. Công sức chăm sóc cây hàng chục năm tuổi tan biến chỉ trong vài phút cơn bão quét qua", ông Chinh nói.
Bão Noul đổ bộ vào Thừa Thiên Huế với sức gió 75-90 km/h trong sáng 18/9 đã làm hai người chết, 95 người bị thương. Hơn 21.280 căn nhà tốc mái. Hơn 210 cột điện gãy đổ, ba trạm biến áp hư hỏng, làm 7 huyện, thị xã, thành phố mất điện. Hơn 300 hecta cây ăn quả bị hư hại, 1.130 hecta rừng bị gãy đổ.
Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế huy động toàn bộ lực lượng như quân đội, công an tham gia hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị tốc mái, tổ chức dọn dẹp vệ sinh. Đến sáng 20/9, gần 15.000 nhà dân tốc mái nhẹ được sửa chữa. Một số khu vực ở TP Huế đã có điện trở lại.
Võ Thạnh