Hơn một tuần qua, phong trào biểu tình Occupy Central đã làm tê liệt nhiều khu vực của đặc khu hành chính Hong Kong, nhưng sau đó phong trào giảm nhiệt vào cuối tuần. Một nhóm người biểu tình cứng rắn có khả năng sẽ tiếp tục "cắm chốt" trên đường phố trong những ngày tới, kể cả khi đám đông không còn nữa. Trong khi đó, có những người bắt tay vào cứu vãn phong trào, về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, trước khi nó lụi tắt hoàn toàn.
Sinh viên Jason Wu, 20 tuổi, đã dành một buổi chiều để chụp lại cẩn thận khu vực biểu tình chính gần trụ sở chính quyền. "Chưa có điều gì giống như thế từng xảy ra ở Hong Kong trước đây", Wu nói. "Chúng ta phải ghi nhớ nó".
Suốt cả tuần, Wu đã miễn cưỡng hứa với bố mẹ rằng cậu sẽ không tham gia các cuộc biểu tình vào đêm khuya nữa vì lo sợ cảnh sát trấn áp. Do đó, khi đọc được trên mạng rằng các nhà sử học và học giả Hong Kong đang kêu gọi công chúng lưu giữ kỷ vật cho hậu thế, Wu quyết định hành động.
Những bức ảnh chụp lại các tấm biểu ngữ, tranh cổ động, những bài viết tâm huyết được dán trên các tòa nhà chính phủ, là cách mà cậu đóng góp cho Occupy Central vào những ngày cuối cùng của phong trào, Wu nói.
"Tôi muốn thế hệ sau biết mọi thứ đã được nói ra ở đây, những gì mà mọi người đã đứng lên và đấu tranh vì nó", Wu nói thêm.
Đêm 6/10 đám đông đã vãn đi đáng kể tại nhiều điểm biểu tình, dù các nhà tổ chức yêu cầu mọi người ở yên tại chỗ trong khi họ tiếp tục sắp xếp một cuộc đàm phán với các nhà chức trách về cải cách chính trị. Gần nửa đêm, Liên đoàn Sinh viên Hong Kong thông báo cuộc đàm phán có thể diễn ra vào cuối tuần này. Điều đó có nghĩa là giới chức sẽ không ra tay để giải tán người biểu tình khỏi đường phố như họ lo ngại.
Một số người đã thu lại các bài hát ra đời trong thời gian biểu tình. Các nhà làm phim tài liệu cũng đề xuất quay lại các đoạn phim để lưu trữ. Một tờ rơi được phát rộng rãi quảng cáo số điện thoại để người biểu tình có thể gọi đến đó thu lại những suy nghĩ, bài viết và những kỷ niệm đáng nhớ nhất về Occupy Central.
Một số người, sợ ảnh hưởng mưa, gió và thời gian, đã phủ các tấm nilon lên bức tường dán chi chít các mảnh giấy chứa thông điệp viết tay.
Sinh viên mỹ thuật Queenie Chan, 25 tuổi, dành hai tiếng để phác họa lại cảnh tượng của cuộc biểu tình đang tàn lụi. Khi cầm cây cọ vẽ trên tay, Chan nhớ lại khoảnh khắc nghe thấy thông tin về cuộc biểu tình khi cô đang đi nghỉ ở nước ngoài và vội vã trở về Hong Kong.
"Khi đến nơi, tôi muốn liều mạng giúp đỡ họ nhưng vẽ thực sự là tất cả những gì tôi biết", cô nói. Vì thế, Chan bắt đầu lang thang khắp các điểm biểu tình với tập giấy vẽ của mình.
Chan nói cô vẫn không chắc những bức vẽ này là dành cho ai hay chúng có thể làm được gì. "Đó chỉ là cách tôi khắc ghi, cảm xúc về nó, nó là gì và có ý nghĩa gì với tôi vào lúc đó", Chan nói.
Nhiều người khác cũng như Chan, bắt đầu tự cắt nghĩa xem chính xác những gì đã xảy ra, ý nghĩa của nó là gì và ảnh hưởng của nó đến tương lai của Hong Kong ra sao.
"Một số người có thể nói rằng vẫn không có gì thay đổi, nếu trưởng đặc khu không từ chức, nếu quá trình bỏ phiếu của Hong Kong vẫn được giữ nguyên", Hui Kwat Kong, 20 tuổi, người từng cắm trại trên phố, nói.
Nhưng Hui cho biết gần đây cậu bắt đầu nghiên cứu về Cách mạng Công nghiệp ở một lớp xã hội học. "Các cuộc cách mạng như thế không xảy ra chỉ trong một đêm", Hui nói. "Mọi thứ diễn ra và thay đổi dần dần".
Ảnh hưởng lớn nhất của "Cách mạng Ô dù" ở Hong Kong, theo Hui, không phải là về chính trị, bầu cử hay những chính trị gia được bầu ra vào những năm tới.
"Tất cả chúng tôi, những người đã đến đây và tham gia biểu tình, chúng tôi đều đã thay đổi", Hui nói, và điều đó sẽ còn âm vang ở Hong Kong nhiều thập kỷ tới.
Anh Ngọc