Một số người biểu tình dựng hàng rào tự tạo để ngăn cảnh sát, giữa cảnh tượng hỗn loạn trước giờ làm việc của các công ty chỉ hai giờ. Nhiều con đường dẫn tới quận trung tâm thương mại Hong Kong bị phong tỏa. Cảnh sát kêu gọi người biểu tình lùi bước.
Theo SCMP, cảnh sát đã dùng dùi cui điện để ngăn cản dòng người biểu tình, thông báo rằng hoạt động này là trái phép. Một vài vụ đụng độ đã nổ ra giữa những cảnh sát viên được trang bị mặt nạ chống độc và đồ bảo hộ chống bạo động, với hàng nghìn người biểu tình đeo khẩu trang tạm và che ô để tránh hơi cay. Đây là lần đầu hơi cay được sử dụng để ngăn biểu tình kể từ năm 2005.
Ảnh: Biểu tình dữ dội ở Hong Kong
Mặc dù một số lãnh đạo biểu tình đã lên tiếng kêu gọi mọi người trở về nhà vì lo sợ cảnh sát sẽ bắn đạn cao su vào đoàn, nhiều người vẫn ở lại gây nên tình trạng tắc nghẽn cục bộ.
Đức hồng y Joseph Zen, cựu giáo mục công giáo Hong Kong đồng thời là người dẫn đầu phong trào Chiếm Trung tâm, là một trong số những người đứng ra kêu gọi đoàn biểu tình giải tán. "Xin mọi người hãy về nhà, đừng hy sinh cuộc sống của mình", CNN dẫn lời ông nói, "Không thể đối thoại vào thời điểm này".
Tuy nhiên, không phải tất cả lãnh đạo biểu tình đều ủng hộ rút lui. Nhà lập pháp Leung Kwok-hung, thường được biết đến với cái tên "Tóc dài", ra sức cổ vũ những người còn ở lại.
"Yêu cầu của chúng ta vẫn không thay đổi. Đây là một cuộc biểu tình phản đối dân sự ôn hòa", ông hô hào qua chiếc loa phóng thanh trước đoàn người.
Trong một đoạn băng phát sáng nay gửi tới người dân, ông Lương Chấn Anh, trưởng đặc khu kinh tế Hong Kong cũng ra lời kêu gọi người dân giải tán. Ông cho biết lực lượng cảnh sát đã kiềm chế hết mức có thể trong hành động đối phó với những người biểu tình.
Phong trào biểu tình và bãi khóa nhằm phản đối các quy định mới về bầu cử người đứng đầu chính quyền đặc khu diễn ra ở Hong Kong từ tuần trước. Người biểu tình còn xông cả vào tòa nhà chính quyền đặc khu. Nhiều công ty phải khuyến cáo nhân viên không đến trụ sở ở trung tâm thành phố, mà thay vào đó làm việc ở nhà.
Hong Kong trở thành đặc khu hành chính của Trung Quốc sau khi được trao trả từ Anh năm 1997, hưởng quy chế đặc biệt "một nước hai chế độ" dưới sự lãnh đạo của Bắc Kinh.
Theo New York Times, cuộc biểu tình dẫn tới đối đầu này nhiều khả năng sẽ gây ảnh hưởng tới danh tiếng của Hong Kong với tư cách một vùng đất an toàn cho đầu tư và thương mại. Bên cạnh đó, nó ngay lập tức cho thấy những khó khăn của Bắc Kinh trong việc thay đổi quá trình bầu cử ở đây. Sự việc đặt ra một thách thức cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
"Nếu cuộc biểu tình vượt khỏi tầm kiểm soát, ông Tập sẽ rất khó xử", New York Times dẫn lời Willy Wo-Lap Lam, nhà bình luận về chính trị Trung Quốc, đang giảng dạy tại Đại học Trung Quốc của Hong Kong, nhận định, trong một cuộc phỏng vấn.
"Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy một sự việc như thế này trước đây, chưa khi nào tưởng tượng được viễn cảnh này", Kevin Chan, 48 tuổi, một quản lý nhà máy cho biết. Ông này cũng tham gia vào đoàn biểu tình đêm qua tại các con đường xung quanh các văn phòng chính phủ.
Cuộc biểu tình được bắt đầu bởi học sinh, sinh viên Hong Kong từ tuần trước. Họ yêu cầu chính phủ phải có sự thay đổi trong quá trình bầu cử. Bắc Kinh tháng trước đề xuất rằng dân chúng có thể tham gia bầu người lãnh đạo đặc khu, bắt đầu từ năm 2017. Tuy nhiên, một ủy ban sẽ được thành lập để rà soát những ứng cử viên và loại ra những người không thích hợp. Điều này gây ra phản ứng dữ dội trong dư luận.
Phương Hoàng - Như Tâm (Video: AP)