Theo AP, một tổ chức tự xưng là "Boses ng Masa" (Tiếng nói Nhân dân) đã tổ chức cuộc biểu tình, thu hút nhiều chính trị gia địa phương, học sinh và phụ nữ tham gia ở quảng trường lớn tại Marawi, một thành phố phía nam Philippines hôm qua.
"Những gì xảy ra ở Pháp, vụ thảm sát ở tòa báo Charlie Hebdo, là bài học đạo đức cho thế giới này, tôn giáo nào chăng nữa cũng phải tôn trọng, đặc biệt là tôn giáo của đạo Hồi", các nhà tổ chức biểu tình tuyên bố. Cuộc biểu tình diễn ra suốt 3 tiếng.
"Tự do ngôn luận không phải là việc xúc phạm đến chúa trời và nhà tiên tri vĩ đại của Allah". Một vài người giơ ngón tay cái lên cao khi tấm bìa in hình tạp chí Charlie Hebdo bị đốt.
Tạp chí trào phúng Charlie Hebdo ở Paris bị tấn công hôm 7/1, khiến 12 người thiệt mạng. Cuộc thảm sát làm dấy lên sự phẫn nộ trên toàn thế giới. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra để bày tỏ sự ủng hộ Charlie Hebdo và việc đăng hình ảnh nhà tiên tri Mohammed, điều được coi là báng bổ đối với người Hồi giáo.
Tại cuộc biểu tình ở Philippines, người tham gia viết biểu ngữ "Ngươi là Charlie", ngược lại với khẩu hiệu "Tôi là Charlie" của những người ủng hộ Charlie Hebdo.
Nhiều biểu ngữ khác viết "Pháp phải xin lỗi", "Ngươi chế giễu đấng tiên tri, lại còn muốn chúng ta xin lỗi?". Cảnh sát Philippines cho biết một tổ chức phi chính phủ và chủ một trường học địa phương đứng sau nhóm biểu tình.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi, cấm đăng tải biếm họa nhà tiên tri Mohammed, cho rằng đó là những hành động khiêu khích và nổi loạn, xúc phạm những giá trị của đạo Hồi.
Iran cũng cảnh báo những bức biếm họa này khiêu khích người Hồi giáo, "rất có thể khuấy động thêm thù hằn".
Tuy nhiên, không phải tất cả người theo đạo Hồi đều cho rằng các bức biếm họa nhà tiên tri Mohammed là hành động khiêu khích. Tại Anh, 50 lãnh đạo của Hội đồng Hồi giáo nước này, đã ký tên kêu gọi người dân theo đạo Hồi phản đối trong hòa bình. Hội đồng cho rằng, biếm họa nhà tiên tri cũng "không thể làm hoen ố hình ảnh của ông".
Hồng Hạnh