"Ở Mỹ, nếu tôi vô tình va vào ai đó, dù đã xin lỗi vẫn có thể bị buộc tội quấy rối", người đàn ông 37 tuổi nói.
Sau nhiều năm sống tại Hàn Quốc, anh hiểu rằng những va chạm nhỏ không cố ý thường không cần lời xin lỗi. Trong trường hợp này, một cái gật đầu đủ để thể hiện thiện chí. Không ai cảm thấy bị xúc phạm bởi cách ứng xử này.
Nhiều ý kiến cho rằng người Hàn đã quen với môi trường công cộng đông đúc như xe buýt, tàu điện ngầm, coi đó là một phần cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, sự khác biệt về môi trường sống, điều kiện sinh hoạt cũng ảnh hưởng sâu sắc đến chuẩn mực văn hóa và cách ứng xử.
Theo các chuyên gia, thói quen có vẻ "vô tâm" với không gian riêng của người khác thực chất bắt nguồn từ đặc điểm văn hóa tập thể - nơi quyền riêng tư cá nhân thường nhường chỗ cho lợi ích chung.
Han Min, giảng viên tâm lý học tại Đại học Ajou và là tác giả của nhiều cuốn sách về văn hóa, tâm lý Hàn Quốc, cho biết trong một xã hội đề cao tính tập thể, sự hòa hợp cộng đồng được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, nếu một hành vi không bị coi là sai trái nghiêm trọng, rất ít người làm lớn chuyện.
"Trên tàu điện ngầm đông đúc, nếu vô tình va vào ai đó, họ sẽ mặc định đó chỉ là sự vô tình, người bị va vào cũng nghĩ như vậy", Han Min nói.
Park Jae-kyung, Chủ tịch Hiệp hội Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, cũng đồng tình rằng "văn hóa tập thể" đóng vai trò lớn trong cách người Hàn phản ứng với những va chạm nhỏ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Seoul không phải thành phố đông đúc nhất thế giới, và cách phản ứng trong những tình huống này phản ánh sự khác biệt văn hóa giữa các quốc gia.
Dữ liệu năm 2024 của Tạp chí Dân số Thế giới chỉ ra Seoul xếp thứ 33 trong danh sách các thành phố đông dân nhất thế giới. Tokyo (Nhật Bản) đứng đầu, tiếp theo là Delhi (Ấn Độ), Thượng Hải (Trung Quốc) và Dhaka (Bangladesh).
Theo chuyên gia, ở Nhật Bản, người ta thường xin lỗi ngay khi va vào người khác bằng câu "sumimasen". Ở Mỹ cũng vậy, sự tôn trọng không gian cá nhân là một phần quan trọng trong văn hóa. Trong khi đó, Hàn Quốc lại không đề cao cái tôi cá nhân.

Những người đi làm ở Jongno-gu, Seoul, cuối tháng 1/2025. Ảnh: Im Se-jun/The Korea Herald
Việc người Hàn thường xuyên dùng từ "chúng ta" thay vì "tôi" là minh chứng rõ nhất cho lối sống đặt cộng đồng lên trên cá nhân. Thay vì nói "nhà tôi", "làng tôi", "trường tôi", họ sẽ nói "nhà chúng ta", "làng chúng ta", "trường chúng ta".
Park Jae-kyung đưa ra ví dụ: "Cách đây vài chục năm, nếu trẻ con trong xóm chơi với nhau rồi có đứa bị gãy kính, cha mẹ thường bỏ qua vì cho rằng đó là chuyện xảy ra giữa 'bọn trẻ của chúng ta'. Hay nếu xe của ai đó bị xước trong bãi đỗ xe chung cư, họ cũng dễ bỏ qua vì nghĩ đó chỉ là một tai nạn nhỏ trong 'xóm mình'".
Chính từ tư duy "chúng ta", người Hàn chấp nhận tiếp xúc cơ thể ở mức độ cao hơn. Họ coi việc bạn bè nắm tay, khoác vai nhau là điều bình thường, dù điều này có thể bị xem là kỳ lạ trong văn hóa phương Tây. Ở các nhà tắm công cộng, người Hàn cũng không ngại để lộ cơ thể trong khu vực nghỉ ngơi bên ngoài phòng tắm.
Tuy nhiên, thái độ đối với việc tiếp xúc cơ thể nơi công cộng đang dần thay đổi, đặc biệt ở thế hệ trẻ. Nhiều người Hàn trong độ tuổi 20-30 cảm thấy khó chịu khi bị người khác xô đẩy mà không nhận được lời xin lỗi.
Song, 30 tuổi, chia sẻ: "Tôi có thể chấp nhận những va chạm nhẹ khi ở nơi đông người. Nhưng đôi khi tôi bị người lớn tuổi xô mạnh mà chẳng nói gì cả, đó là lúc tôi bức xúc, bởi giới trẻ hiếm khi làm vậy".
Giáo sư tâm lý học Kwak Geum-joo từ Đại học Quốc gia Seoul, cho biết sự khác biệt này xuất phát từ điều kiện sống thay đổi qua nhiều thập kỷ. Cách đây 30-40 năm, khi dân số Seoul tăng mạnh mà phương tiện công cộng còn thiếu, học sinh và nhân viên văn phòng không có lựa chọn nào khác ngoài việc chen chúc trong những chiếc xe buýt chật cứng. Khi đó, xe buýt đông đến mức phải đóng cửa nhiều lần mới khép lại được.
Do đó, việc người lớn tuổi thường xô đẩy không có nghĩa họ thô lỗ hay thiếu phép tắc. Đơn giản, đó từng là hành vi được chấp nhận trong thế hệ của họ.
"Còn giới trẻ ngày nay chịu ảnh hưởng từ phương Tây, có xu hướng đề cao cá nhân hơn. Họ nhạy cảm hơn với không gian riêng và nếu có va chạm, họ muốn nhận được lời xin lỗi," bà Kwak nói.
Minh Phương (Theo Korea Herald)