"Tôi chỉ thấy lợi ích duy nhất là được tặng ôtô", anh nói. "Nhưng tôi không muốn mặc áo vest đi họp mỗi ngày".
Tương tự, một chàng trai 30 tuổi, kỹ sư của tập đoàn Hyundai đã không muốn thăng chức quản lý. Anh nói muốn giữ vị trí hiện tại để cân bằng giữa cuộc sống và công việc, tập trung kỹ năng chuyên môn. Đồng thời, khi là nhân viên, anh được quyền nghỉ phép nhiều hơn cấp quản lý và tránh được các đánh giá năng suất lao động.
Họ không phải là trường hợp hiếm ở Hàn Quốc. Suy thoái kinh tế đã khiến nhóm lao động độ tuổi 40-50 tránh vị trí cấp quản lý bởi dễ bị sa thải. Tuy vậy, nhân viên ở độ tuổi 20-30 lại đang có xu hướng ưu tiên cuộc sống cá nhân. Họ lo lắng về việc được thăng chức.
Dựa trên xu hướng này, công đoàn ở những tập đoàn lớn gần đây đã nỗ lực hỗ trợ quyền từ chối thăng chức của nhân viên trẻ.
Trong cuộc họp mới nhất, công đoàn của HD Hyundai Heavy Industries (HHI) đã yêu cầu ban quản lý cho phép nhân viên được từ chối thăng chức. Họ đề nghị công ty không sa thải nhân viên hoặc giảm lương của người từ chối.
Một số công đoàn cũng đã đưa ra yêu cầu tương tự năm 2016 nhưng bị chỉ trích là ích kỷ và gây nguy hiểm cho ngành sản xuất Hàn Quốc.
Tuy nhiên, nó đã thay đổi trong bối cảnh sau Covid-19 và suy giảm kinh tế kéo dài. Người trẻ ở Hàn Quốc ưu tiên cân bằng công việc, cuộc sống và đảm bảo an toàn việc làm hơn là tiền lương cao và quyền lực ở nơi làm việc.
Các chuyên gia cũng dự đoán sự gia tăng về quyền từ chối thăng chức ở các công ty lớn, đặc biệt là khi nó tỷ lệ thuận với trào lưu quiet quitting - nghỉ việc thầm lặng, mô tả những nhân viên chỉ thực hiện yêu cầu tối thiểu của công việc và không đầu tư thêm thời gian, công sức hoặc tâm huyết hơn nữa.
"Hệ thống thăng chức đang đứng trước bờ vực tan vỡ", giáo sư Kim Ran-do, giảng viên Đại học Quốc gia, nói. "Các nhân viên ngày nay không muốn ở lại nơi làm việc của họ quá lâu hoặc chịu trách nhiệm lớn quá nhiều".
Ngọc Ngân (Theo Korea Times)