Cô gái 30 tuổi cho biết, món đầu tiên mua chỉ là chiếc máy xông tinh dầu 10.000 won (hơn 185.000 đồng) nhưng sau đó giá trị cứ tăng dần, từ các loại thực phẩm bổ sung như kẹo dẻo melatonin và viên magiê và mới đây là chiếc gối hơn 300.000 won (gần 5,6 triệu đồng).
Các khoản chi cho giấc ngủ của nữ nhân viên giống với rất nhiều người Hàn Quốc khác. Theo báo cáo của tổ chức tài chính KB Financial, quy mô thị trường sản phẩm dành cho giấc ngủ đã tăng hơn 6 lần lên 3.000 tỷ won từ năm 2011 đến năm 2021. Thị trường ước đạt hơn 40.000 tỷ won vào năm 2026 trước thực trạng người dân bị thiếu ngủ đặc biệt nghiêm trọng so với trung bình của tổ chức OECD.
Trích dữ liệu năm 2021 của OECD, KB Financial chỉ ra thời gian ngủ trung bình của người dân Hàn Quốc là 471 phút mỗi ngày, ít hơn 30 phút so với mức trung bình của người dân các nước OECD. Trong các nền kinh tế lớn, số phút ngủ của người Hàn Quốc chỉ nhỉnh hơn người Nhật Bản (442 phút). Trung bình người Anh ngủ 508 phút, còn người Australia ngủ 512 phút, người Mỹ ngủ 531 phút và người Trung Quốc 541 phút.
Chất lượng giấc ngủ của người Hàn Quốc cũng ở mức thấp. Trong số 13.000 người tại 13 quốc gia được hãng công nghệ Philips khảo sát, trung bình 55% người cảm thấy thỏa mãn với giấc ngủ của mình. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, con số chỉ là 41%.
Các yếu tố hàng đầu làm gián đoạn giấc ngủ là căng thẳng (55%), điều kiện phòng ngủ (40%), chứng mất ngủ và thói quen làm việc (37%), giải trí quá mức (36%), tình trạng sức khỏe (32%), ngáy (29%). Số bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ năm 2022 là 1,09 triệu, tăng gần gấp đôi từ 588.000 năm 2018.
Báo cáo dự đoán thị trường giấc ngủ tiếp tục phát triển với sự tham gia của các công ty công nghệ cao, công ty tài chính... trước đây không liên quan gì đến thị trường.
Huy Phương (Theo Korea Times)