Tại một nhà hàng ở khu Sinchon tấp nập của Seoul chiều thứ bảy, các gia đình, các cặp đôi, nhóm bạn tụ tập ăn uống và chuyện trò rất rôm rả. Họ kể về tuần vừa qua, những kỳ nghỉ sắp tới hay chuyện hẹn hò.
Trước đó hai ngày, Triều Tiên nã pháo sang biên giới với Hàn Quốc, và chỉ một ngày sau, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố tình trạng chiến tranh, đồng thời ra lệnh quân đội sẵn sàng chiến đấu.
Bất chấp những lời đe dọa đó, người dân Hàn Quốc dường như vẫn rất bình thản và không có vẻ gì quan tâm đến những căng thẳng ở biên giới. Họ cho hay đã học được cách sống chung với nước láng giềng.
"Không, chẳng có ai quanh tôi thực sự lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh cả. Tôi đoán điều đó cũng giống như những người đang sống trong khu vực hay xảy ra động đất vậy. Không phải là họ thờ ơ nhưng họ đã không còn hoảng hốt trước nó", Kim Min-ho, một nhân viên văn phòng 30 tuổi, nói.
Doanh thu từ các nhà bán lẻ Hàn Quốc cũng không cho thấy dấu hiệu nào của sự hoảng loạn. Theo E-Mart, doanh thu của các mặt hàng khẩn cấp như mỳ gói, nước, thức ăn đóng hộp và bếp gas mini trong ba ngày 20-22/8 thậm chí còn giảm so với cùng kỳ tuần trước.
"Có vẻ như chúng tôi không được cảnh báo về chiến tranh nên chúng tôi cũng không thực sự chuẩn bị cho điều đó. Cá nhân tôi nghĩ đây chỉ là một màn phô diễn về chính trị của liên Triều", Kim Min-gyeong, một phụ nữ hai con, 38 tuổi, nói.
Từng có thời gian, những đe dọa từ Bình Nhưỡng khiến cả thế giới hoang mang.
Năm 1994, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao giữa nghi ngờ Bình Nhưỡng đang tìm cách trang bị vũ khí hạt nhân. Truyền thông lúc đó đưa tin rằng các cửa hàng bán lẻ lớn chật kín người mua. Cảnh tượng này lặp lại vào cuối năm đó, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung qua đời.
"Tình hình hiện nay không còn giống so với khi Kim Il-sung qua đời. Tôi đang ở một nước khác vào thời điểm đó và dù còn trẻ, tôi vẫn nghiêm túc suy nghĩ liệu có nên trở về nước nếu chiến tranh nổ ra", nhân viên văn phòng 36 tuổi Ha Eun-jae nói.
Tuy nhiên, hơn hai thập kỷ qua, trước việc Triều Tiên thường xuyên đưa ra những lời lẽ cứng rắn, Ha và những người dân Hàn Quốc khác cũng bớt lo lắng dần.
"Không có gì mới. Chúng tôi chỉ nghĩ 'họ lại thế rồi'. Theo suy nghĩ của tôi thì chiến tranh thực sự không được xem là một lựa chọn", cô nói.
Bên cạnh đó, quan điểm của Hàn Quốc về Triều Tiên được cho là đã mềm mỏng hơn kể từ khi cựu tổng thống Kim Dae-jung đề xuất "chính sách ánh dương" vào cuối những năm 1990, dựa trên sự tương tác ngày càng tăng giữa liên Triều và việc hỗ trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Albamon, trang web tuyển dụng việc làm thêm trực tuyến ở Hàn Quốc, 48,5% sinh viên đại học cho rằng Nhật Bản mới là mối đe dọa lớn nhất của Hàn Quốc, trong khi chỉ có 38,3% có suy nghĩ này về Triều Tiên.
"Bất cứ khi nào nghe Triều Tiên tuyên bố họ sẽ tiêu diệt chúng tôi, chúng tôi lại đoán rằng họ muốn chúng tôi cho họ thứ gì đó. Họ đã làm như thế nhiều lần trước đây rồi", một sinh viên 24 tuổi nói.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có một nỗi lo sợ chiến tranh ẩn sâu trong tim của nhiều người Hàn Quốc, dù khả năng này là rất nhỏ. Trong một bài viết nổi tiếng trên mạng có tựa đề "Người Hàn Quốc có thể làm gì trong chiến tranh với Triều Tiên", một người giấu tên cho hay anh không tin quân đội nước này đủ khả năng để bảo vệ người dân trong cuộc chiến. Nhiều người khác cũng có quan điểm tương tự sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Một số người Hàn Quốc cho hay thái độ bình tĩnh của họ xuất phát từ thực tế rằng những lời đe dọa lặp đi lặp lại đã trở thành một phần trong đời sống của họ.
"Không phải tôi không quan tâm đến an ninh, nhưng Hàn Quốc là nơi chúng tôi sinh sống, vì thế tất cả những gì chúng tôi có thể làm trong tình hình này chỉ là phó mặc mọi chuyện", Lee Ho-jeong, một bà nội trợ 40 tuổi, nói. "Không có nước nào an toàn 100%. Chúng tôi sẽ không chạy trốn khỏi đất nước mình chỉ vì một cuộc chiến tranh 'có thể xảy ra' ".
Yoon Yeo-jeong, 35 tuổi, nói rằng cô đã học được cách đối phó với nỗi sợ hãi, khi có rất ít lựa chọn.
"Lo lắng cũng chẳng được gì. Sống chung với căng thẳng như thế này là điều tôi phải chấp nhận với tư cách một người Hàn Quốc", cô nói. "Nhưng tôi cảm thấy rất buồn khi sinh ra con trai trong một đất nước phức tạp như thế. Tôi hy vọng khi thằng bé bước sang tuổi 20, hai bên sẽ hòa bình để nó không phải đi nghĩa vụ quân sự".
Anh Ngọc (theo Korea Herald)