Ít nhất 20 chương trình truyền hình thực tế hoặc game show với chủ đề về mối quan hệ lãng mạn đã được phát sóng ở Hàn Quốc trong năm ngoái, gấp 3 lần năm 2021.
Một số chương trình khá truyền thống như mai mối dành cho người trẻ độc thân nhưng ngày càng nhiều chương trình cho thấy người dân nước này làm quen với các mối quan hệ phi truyền thống không nhắm đến kết hôn, ví dụ "Sống chung không hôn thú" tập trung vào các cặp đôi đã chọn không kết hôn hay "Người đàn ông của anh" là một trong hai chương trình dành cho cộng đồng LGBT. Các chương trình khác tập trung vào những người đã ly hôn tìm kiếm lại tình yêu.
Bi kịch tình yêu, thử thách, đau khổ của các mối quan hệ vốn là đề tài truyền thống của chương trình truyền hình ở nhiều nước, nhưng đặc biệt được ưa thích ở xứ sở kim chi. Trong các chương trình, người ta tập trung vào phản ánh sự mệt mỏi của cuộc sống hôn nhân, tâm lý không muốn có con cái của người trẻ. Nguyên nhân chủ yếu là bất bình đẳng giới nghiêm trọng và chi phí nuôi con cao ngất ngưởng.
Kim Jin, giám đốc sản xuất của chương trình "Sống chung không hôn thú", cho biết chương trình vừa lên sóng từ tháng 1 không nhắm đến việc cổ vũ việc sống thử hay ngăn cản hôn nhân mà chỉ nêu ra vấn đề để mọi người cùng tranh luận. "Bằng cách giới thiệu lối sống của những cặp đôi này và lý do đằng sau quyết định của họ, chúng tôi muốn xã hội quan tâm hơn đến vấn đề này", Kim nói với Reuters.
Dù không có số liệu thống kê chính thức nhưng "sống thử" hay mô hình gia đình gồm hai người chưa kết hôn nhau không quá xa lạ ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, có con ngoài giá thú là một lựa chọn ít người mong muốn.
Cho Sung-ho và Lee Sang-mi, một cặp đôi đã sống chung hơn 10 năm cho biết, kết hôn hay không là một vấn đề gây căng thẳng.
Đối với Lee, 32 tuổi, làm nghề người mẫu, quyết định sống chung khi chưa kết hôn là một lựa chọn nhằm mục đích không bị ràng buộc bởi truyền thống. Cô không muốn có con và khẳng định mình không thể trở thành một người mẹ tốt nên tốt nhất là sống thật với chính mình. "Tôi thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại và không hiểu tại sao mình phải kết hôn và gánh thêm vô số những nghĩa vụ, ví dụ như về thăm bố mẹ hai bên vào kỳ nghỉ lễ", Lee nói.
Trong khi đó, Cho (32 tuổi) vẫn hy vọng về hôn nhân và con cái, mặc dù cựu thần tượng K-pop hiện là một YouTuber nói rằng anh hiểu sự miễn cưỡng của Lee vì phụ nữ thường chịu gánh nặng lớn hơn trong việc nuôi dạy con cái.
Người dân né tránh hôn nhân, từ chối sinh con trở thành vấn đề quốc gia của Hàn Quốc. Thực trạng này được nhấn mạnh bởi những số liệu thống kê đáng báo động: số cặp vợ chồng kết hôn mới giảm 23% trong 5 năm qua và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới vào năm 2021.
Khảo sát với khoảng 1.000 người vào năm ngoái của Hiệp hội Dân số, Sức khỏe và Phúc lợi Hàn Quốc, khoảng 2/3 số người độc thân trong độ tuổi từ 19 đến 34 không có mối quan hệ nào. Trong số đó, 61% phụ nữ và 48% nam giới cho biết họ không muốn tìm bạn trai hoặc bạn gái trong tương lai.
Các chương trình như "Sống chung không hôn thú" minh họa cách Hàn Quốc chấp nhận sự đa dạng trong quan hệ theo phong cách phương Tây, nhưng thực tế lại rất khác xa. Những hành động tình cảm như tán tỉnh, ôm ấp và âu yếm thì có nhưng hôn và tình dục thì không. Ngay cả trên chương trình truyền hình thực tế "Single's Inferno", người ta đưa những người trẻ đến một hòn đảo hoang vắng nhưng hầu hết nội dung đều xoay quanh các cuộc trò chuyện.
Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook, cho biết các cuộc trò chuyện trong và ngoài chương trình hẹn hò có ích cho người Hàn Quốc. "Chính phủ và xã hội thực sự cần nỗ lực thúc đẩy thái độ tích cực hơn đối với việc hẹn hò và hôn nhân và những chương trình thực tế này có thể giúp ích cho điều đó".
Huy Phương (Theo Reuters)