15h (giờ Hà Nội) ngày 27/1, trận chung kết U23 châu Á giữa Việt Nam và Uzbekistan sẽ diễn ra. Hàng nghìn người hâm mộ tìm đường sang Thường Châu, Trung Quốc để trực tiếp xem trận đấu này. Tại Việt Nam, hàng triệu trái tim cùng hướng về các cầu thủ áo đỏ.
"May quá chiều thứ bảy được nghỉ làm mà không được tôi cũng sẽ nghỉ. Làm sao có thể bỏ qua trận đấu lịch sử như vậy", chị Đỗ Thị Thanh Mai, nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy (Hà Nội) nói.
Biết Đại học Thương mại, trường cũ mà chị theo học, có lắp đặt màn hình 1500 inch phục vụ nhu cầu xem bóng đá của sinh viên, chị Mai quyết định chọn đó là địa điểm cổ vũ thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo. Chị cũng đã rủ bạn bè, chuẩn bị băng rôn, sticker, áo cờ đỏ sao vàng để sẵn sàng cháy hết mình cùng đội tuyển và hàng nhìn sinh viên.
Cùng quê với cầu thủ Hà Đức Chinh, chị Mai cùng Hội đồng hương sinh viên Phú Thọ tại Đại học Thương mại còn chuẩn bị sẵn băng rôn lớn thể hiện tình cảm, tiếp thêm động lực thi đấu cho Chinh.
"Hôm 23/1, Việt Nam thắng Qatar ở trận bán kết, tôi đã đi ăn mừng đến nửa đêm, reo hò nhiều đến mức giờ họng vẫn còn rát", nữ nhân viên văn phòng kể lại và cho biết đã liên tục uống nước giá đỗ để giọng bớt khàn, ăn uống đầy đủ, giữ sức còn “hò hét hết cỡ” trong và sau trận chung kết này.
Bà Minh Duyên (47 tuổi, trú huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) quyết định hoãn đi đám cưới một người trong xã để ở nhà xem bóng đá. "Đám cưới có hai ngày. Họ mời hôm nay không đến ăn uống được, mình xin lỗi để mai đến chúc mừng chứ thực sự tôi không muốn bỏ lỡ trận đấu này dù không phải người thường xuyên theo dõi bóng đá", bà Duyên nói.
Đàn ông trong nhà đi làm ở ngoài cả, bà Duyên cùng con gái và một người hàng xóm sẽ tập trung xem bóng tại nhà. Dù cả ba là phụ nữ, bà vẫn mua trước một ít bia và đồ nhắm để nhâm nhi trong lúc cổ vũ đội tuyển Việt Nam.
Tại Thừa Thiên Huế, người dân, cơ quan, doanh nghiệp lên kế hoạch cổ vũ đội tuyển U23 bằng nhiều hình thức. Từ sáng 26/1, rất đông người hâm mộ tìm đến các cửa hàng kinh doanh quần áo thể thao ở khu vực đường Lê Quý Đôn, Trần Hưng Đạo, chợ Đông Ba (TP Huế) để mua áo, mũ, cờ Tổ quốc.
Cổ động viên Huế chuẩn bị cho trận chung kết U23 châu Á. Video: Võ Thạnh
Năm nay đã 65 tuổi nhưng bà Đoàn Thị Kim Lan (phường Phú Hội, TP Huế) không bỏ qua trận bóng nào có sự góp mặt của Việt Nam ở giải U23 châu Á lần này. “Tôi vừa mua áo cờ đỏ sao vàng chuẩn bị cho chung kết. Gia đình tôi sẽ tụ họp tại nhà ăn uống, xem và cổ vũ cho Việt Nam chiến thắng”, bà Lan nói.
Một công ty quảng cáo ở Huế quyết định in băng rôn, sticker phát miễn phí cho người hâm mộ. Anh Hồ Hiệp, phụ trách in của công ty, cho biết ngoài hoạt động trên, công ty cũng cho toàn thể nhân viên nghỉ làm, tập trung tại một quán nhậu có màn hình lớn để tiếp lửa cho các cầu thủ đang phải thi đấu trong thời tiết rét buốt tại Trung Quốc.
Sân nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế, một doanh nghiệp tài trợ lắp đặt màn hình LED 350 inch phục vụ người hâm mộ. Một số trường như Đại học Sư phạm Huế hay Đại học Khoa học cũng lắp đặt màn hình lớn để sinh viên cổ vũ U23 Việt Nam.
Tại Đà Nẵng, không khí cho trận chung kết rạo rực trên các tuyến phố. Nhiều ôtô được chủ nhân thay màu áo mới, với biểu tượng cờ đỏ, sao vàng và những câu cổ vũ hy vọng Việt Nam giành chiến thắng.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, cho biết ngoài các điểm chiếu màn hình lớn ở nhà hàng, khách sạn như trong trận U23 Việt Nam thắng Qatar, hôm nay sẽ có thêm các điểm công cộng với màn hình siêu lớn ở trước công viên biển Đông và một khu vui chơi trên đường 2/9 (quận Hải Châu). Hai điểm này có thể phục vụ khoảng 10.000 người.
Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT công an TP Đà Nẵng, thông tin đã có kế hoạch chốt chặn tại các nút giao thông nhằm đảm bảo trật tự cho người dân ăn mừng sau trận đấu. Công an các quận, huyện cũng được huy động bảo vệ tại các điểm có người dân diễu hành. Sau 24h đêm, nếu còn người diễu hành, CSGT sẽ xử phạt những người điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách trên đường để giảm thiểu tai nạn giao thông.
Quảng trường 24/3 ở thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) được trang bị màn hình LED 32 m2 để phục vụ khoảng 7.000 cổ động viên. UBND thành phố cùng Đoàn khối doanh nghiệp tỉnh lên kế hoạch tặng miễn phí 500 áo in cờ Tổ quốc, 500 băng rôn, 1.000 sticker và 1.000 chai nước uống cho người đến sớm.
Xóm nhỏ của ông Nguyễn Văn Trung ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh tập trung cổ vũ ở một gia đình có tivi màn hình lớn và khoảng sân rộng. "Tivi sẽ được chuyển ra sân. Chúng tôi góp tiền mua gà, vịt, bia rượu cùng xem Việt Nam thi đấu", ông Trung nói.
Ông Vũ Văn Tiến, làm việc ở một công ty in ấn quảng cáo ở Tam Kỳ tự thiết kế băng rôn riêng cho mình và bạn bè, người thân. "Dù kết quả trận đấu thế nào, chúng tôi cũng đổ ra đường, vẫy cao lá cờ, chúc mừng cho những thành tích tuyệt vời của U23 Việt Nam".
Tại Nghệ An, nhiều địa điểm được lắp đặt màn hình lớn như Đại học Vinh hay khu vực Nhà Văn hóa lao động tỉnh. Để đảm bảo an toàn, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành, thị phổ biến công chức, viên chức và người lao động đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; tuyên truyền, vận động người dân không tham gia đua xe trái phép, không phóng nhanh, vượt ẩu. Công an tỉnh, Cảnh sát chữa cháy, Sở Giao thông được yêu cầu huy động tối đa lực lượng.
Nhiều hội cổ động viên chuyên nghiệp cũng tổ chức xem bóng đá quy mô lớn. Anh Nguyễn Thanh Chương, Phó chủ tịch Hội cổ động viên Sông Lam Nghệ An, cho biết Hội đã phối hợp với một số đơn vị chuyên tổ chức sự kiện lắp đặt màn hình LED 50m2 tại sân bóng nhân tạo trong khuôn viên Nhà Văn hóa lao động tỉnh Nghệ An.
"Dù thắng hay thua, kết thúc trận đấu chúng tôi sẽ xuống đường ăn mừng. Không có niềm vui và tự hào nào có thể kể hết về đội tuyển của chúng ta trong giải đấu năm nay", anh Chương nói.
Tại Hà Nội, Hội cổ động viên VFS miền Bắc phối hợp với Câu lạc bộ Hà Nội, Hội cổ động viên Hà Nội FC và Ban Quản lý sân vận động Hàng Đẫy tổ chức "big offline" tại sân này.
"Nếu như ở trận bán kết, màn hình LED 15m2 được lắp đặt, phục vụ 4.000 người hâm mộ thì ở trận chung kết một màn hình rộng 45m2 (lớn gấp ba lần) được trang bị, dự kiến thu hút 10.000 người tham gia", anh Hồ Hải Hoàng, thành viên Ban điều hành VFS miền Bắc thông tin và hy vọng người hâm mộ mặc áo cờ đỏ sao vàng, đoàn kết cổ vũ đội tuyển.
Vé vào sân vận động Hàng Đẫy chỉ ở mức 30 nghìn, bao gồm một lon bia và một chai nước. Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã lên phương án trông giữ xe với giá thấp nhất có thể (5-10 nghìn) ngay trong khuôn viên sân, tránh để cổ động viên bị chặt chém.
Song song với hoạt động cổ vũ trận chung kết, VFS miền Bắc cũng đã làm công văn gửi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) để được đi cùng đoàn đến sân bay Nội Bài đón đội tuyển; đồng thời làm công văn xin bố trí 2.000 cổ động viên của hội tham dự lễ tuyên dương ở sân vận động Mỹ Đình vào tối 28/1.