Người phụ nữ 32 tuổi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội nói chợ Dịch Vọng gần nhà có hơn chục hàng quán bán bánh trôi, bánh chay bán sẵn nhưng chị vẫn chấp nhận chờ 15 phút để mua bánh nóng từ quán quen bởi tin tưởng về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. "Nếu chỉ mua cho gia đình thì nhanh, nay tôi nhận mua hộ đồng nghiệp nên cố gắng chờ. Cứ nghĩ đi sớm sẽ ít người mua nhưng hóa ra lại đông bởi ai cũng nghĩ như mình", Mai nói.
Không muốn mua sẵn đồ ngoài chợ, chị Hồng Thắm, ở Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, từ chiều hôm trước đã đặt hai cân bột kèm nhân đỗ và đường với giá 60.000 đồng về nặn bánh trôi, bánh chay cùng nhà hàng xóm.
Người phụ nữ 40 tuổi cho hay những năm trước vào dịp này chị thường mua một cân về tự làm nhưng ăn không hết phải bỏ dở. Năm nay rủ thêm nhà hàng xóm cùng làm, vừa tiết kiệm, lại vui, sau có đĩa bánh dâng lên tổ tiên.
Thay vì ăn xôi hoặc phở, Quốc Tuấn, 20 tuổi, ở phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm hôm nay lại mua bánh trôi bánh chay cho bữa ăn sáng. Đây là thói quen mỗi khi đến Tết Hàn thực của nam sinh quê Hưng Yên bởi ngày bé vẫn được bà, mẹ làm loại bánh này. Khác biệt duy nhất theo Tuấn, ở quê bánh trôi thường đặt trên lá mít, số lượng viên bánh tùy thuộc vào cỡ lá. Còn ở Hà Nội bánh được xếp trong các hộp hoặc đĩa nhựa, 10-15 viên nhân đường.
"Cả năm tôi mới ăn một lần nên lúc nào cũng thấy ngon ngọt như thuở bé", Tuấn nói.
Sáng 11/4 tại các chợ truyền thống trên địa bàn quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân... số cửa hàng bán bánh trôi, bánh chay tăng đột biến. Trung bình mỗi chợ có 10-20 điểm bán, với giá 10.000-30.000 đồng một hộp, riêng bột tự làm 25.000-30.000 đồng một kg kèm nhân. Ngoài các sạp mở ra phục vụ riêng cho ngày này, không ít tiểu thương vốn bán hoa quả, giò chả, xôi, bánh mì... hôm nay cũng bán kèm để tăng thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Lụa, 60 tuổi, ở huyện Ứng Hòa, thường ngày vẫn bán hoa quả ở cổng chợ Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, nhưng hai ngày nay chuyển sang bán bột nếp và bánh trôi, bánh chay. "Để chuẩn bị đủ bánh, tôi phải làm từ 23h đêm hôm trước, huy động thêm mấy cháu sinh viên cùng khu trọ hỗ trợ để kịp 5h sáng ra bán", bà Lụa nói. Bà cho biết chỉ trong bốn tiếng đã tiêu thụ hơn 200 hộp bánh trôi, chay, chưa kể bột bán mang về. Tổng số lượng bột bà Lụa chuẩn bị cho Tết Hàn thực năm nay là gần 200 kg, tăng gần gấp đôi năm ngoái.
Còn tại cổng chợ Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, ngoài các cửa hàng chuẩn bị sẵn bánh từ đêm trước, không ít tiểu thương phải thuê thêm người làm để chế biến tại chỗ. Một người bán cho hay sức mua năm nay tăng, tập trung nhiều nhất trước 9h sáng. Có thời điểm làm không kịp, khách đến thấy xếp hàng quá đông, ngại chờ đợi nên bỏ sang quán khác.
Không chỉ bán trực tiếp, nhiều người kinh doanh online cũng ghi nhận nhu cầu mua bột tự làm hoặc bánh chế biến sẵn tăng hơn năm 2023.
Chị Hàn Hương Thùy, một người bán online ở quận Long Biên cho biết số khách đặt set bánh trôi, bánh chay ngũ sắc, được tạo hình hoa sen, thú vật... tăng gấp đôi năm ngoái. Ngoài loại bánh truyền thống, chị cũng làm thêm loại bột ngũ sắc từ hoa quả tự nhiên, không phẩm màu.
Bùi Minh, một người kinh doanh online ở phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm nói đây là năm thứ hai bán bột làm bánh trôi, bánh chay do nhận thấy nhu cầu mua cao. Khác với các loại bột ở ngoài chợ, giá bán một cân bột ngũ sắc của Minh gồm đường, vừng, đậu xanh lên đến 110.000 đồng.
"Dù giá cao nhưng dịp này tôi vẫn bán được gần 40 đơn bởi nhiều người thích tạo bánh màu sắc thay vì chỉ màu trắng truyền thống. Tôi nghĩ hiện đại hay truyền thống không quan trọng, cốt lõi là giữ được nét đẹp từ thời cha ông", chị Minh nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cho biết Tết Hàn thực có từ trước thời Xuân Thu ở Trung Quốc, được tổ chức thường niên như Tết Nguyên đán. Ngày này thực chất là một đại lễ thường niên, được chế định thành lễ hội quốc gia với các hoạt động cúng tế chính thống và lễ hội đa dạng, phong phú. Tết Hàn thực cũng như Tết Nguyên đán, thể hiện sự tri ân đối với thần thánh (thần đất, thần ngũ cốc), hiếu kính tiên tổ và tôn sùng tinh thần trọng nghĩa khinh tài, coi thường danh lợi của cổ nhân.
Theo ông Hải, "Hàn thực" nghĩa là ăn đồ nguội, thức ăn làm sẵn, có nguồn gốc từ tập quán "cải hỏa" của con người thời cổ đại, còn gọi là "Cấm yên" (cấm khói lửa), "Lệnh tiết" hoặc "Bách ngũ lệnh"... Các tài liệu lịch sử cho thấy thời gian từ lúc dập bỏ lửa cũ (cấm yên) đến khi đánh lấy lửa mới là ba, năm hoặc bảy ngày. Mọi gia đình phải chuẩn bị sẵn đồ ăn thức uống trong thời gian này vì không được đốt lửa, đun nấu nên gọi là "Hàn thực". Theo lịch nhà Hạ, Tết Hàn thực được tổ chức sau tiết Đông chí 105 ngày và trước tiết Thanh minh một hoặc hai ngày, chỉ sử dụng thức ăn làm sẵn (nguội), không nói rõ là cúng tế bằng cỗ chay hay cỗ mặn; không hương, đèn, vàng mã.... do không được dùng lửa.
Như vậy, Tết Hàn thực có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng giống như trong các dịp Tết Nguyên đán, Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng) Thanh minh, Trung thu... nhưng nên có bánh trôi, bánh chay vì đây là lễ vật chính, mang tính biểu tượng. Nghi thức cúng tế như đối với lễ cúng thần, phật, tổ tiên...
Cũng theo vị chuyên gia, lễ vật sắm sửa tùy theo điều kiện gia đình, trên cơ sở tập quán cổ truyền, không nên bày biện lãng phí. Yêu cầu quan trọng nhất trong các lễ cúng tế là lòng thành thực và thái độ nghiêm túc, nghi thức trang trọng, kính cẩn.
"Một trong những giá trị quan trọng của lễ hội, hoạt động thờ cúng là giá trị giáo dục. Khi cha mẹ nghiêm trang, kính cẩn tri ân đối với trời đất, thần phật, tổ tiên thì con cháu cũng theo đó mà hiếu kính đối với cha mẹ, thương yêu và quan tâm gia đình, người thân; tín nghĩa đối với thầy cô, bè bạn...", ông Hải nói.
Hải Hiền-Quỳnh Nguyễn