Trong ký ức của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, cách đón Tết Nguyên đán của người Hà Nội từ những năm chiến tranh, trải qua thời bao cấp, đổi mới đến nay đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn luôn ấm áp tình người.
- Sinh ra, lớn lên và gắn bó với Hà Nội, Tết Nguyên đán trong ký ức tuổi thơ ông như thế nào?
- Tuổi thơ của tôi gắn liền với những năm máy bay Mỹ ném bom miền Bắc (từ 1964), cả nhà sơ tán về ngoại thành. Tôi đón Tết Nguyên đán trong tình cảm đầm ấm của những người dân nơi sơ tán. Dù chỉ có chiếc bánh chưng hay con cá, họ cũng mời chúng tôi ăn cùng.
Năm 1968, khi Mỹ tuyên bố chỉ ném bom từ Thanh Hóa trở vào, một số gia đình Hà Nội bắt đầu trở về thành phố.
Vui nhất và đáng nhớ nhất là Tết năm 1973. Ngày 23/1 Dương lịch, hiệp định Paris được ký sơ bộ, nhiều gia đình thấp thỏm ngóng tin nhưng chưa dám rời nơi tản cư về nhà. Đến khi hiệp định được ký chính thức ngày 27/1, người người hối hả trở về. Những ngày cận Tết ấy, công ty xe khách Thống Nhất chở người không kịp. Nhiều nhà dắt díu nhau đi xe đạp, đi bộ, gồng gánh về thủ đô.
Tàu điện quanh thành phố chạy suốt đêm, đón người dân từ ngoại thành về nhà. Lúc đó, ngành thương nghiệp thủ đô mới gấp rút chuẩn bị hàng Tết nên thông báo rất muộn. Đó cũng là năm đầu tiên các cửa hàng bách hóa, thực phẩm bán qua đêm để phục vụ người dân sắm Tết.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh: Viết Tuân. |
- Năm đó, không khí Tết ở thủ đô ra sao?
- Hà Nội chưa từng có Tết nào vui như năm đó, bởi sau khi ký hiệp định Paris, miền Bắc tạm thời được hòa bình. Dù hàng hóa khan hiếm, đời sống khó khăn, cảnh đón Tết đạm bạc, nhưng ai cũng động viên nhau "hòa bình ăn cháo cũng sướng". Năm đó, Hà Nội bắn pháo hoa ở hồ Hoàn Kiếm, dù chỉ ít phút ai cũng hào hứng. Người dân từ các vùng lân cận kéo nhau đến xem.
Những công nhân Cuba sang giúp Việt Nam làm đường cũng đổ về đây đón giao thừa, nhảy múa, ca hát. Đêm giao thừa, hồ Hoàn Kiếm đông vui như những năm gần đây. Khắp phố phường, dân tình phấn khích tột độ, sau mấy năm phải xa nhà tránh bom đạn, nay mới được đón Tết trong hòa bình.
Thời đó, dù còn thiếu thốn, mọi người đón Tết rất tình cảm. Nhà nhà trong các khu phố luôn "tối lửa, tắt đèn có nhau". Nhà nào có món ngon cũng mời hàng xóm sang ăn.
- Hàng hóa dịp Tết ngày đó gồm những gì?
- Ngày đó tiêu chuẩn cán bộ bình thường chỉ có một bao thuốc lá, một gói chè. Nhà nào may mắn có người làm cán bộ trung cấp, cao cấp thì được phát thực phẩm nhiều hơn một chút. Những người này có sổ giao tế nên có thể mua thêm bánh, kẹo, đường, thuốc lá. Một số nhà tư sản cũ có điều kiện mua sắm nhiều hơn.
Ngoài tiêu chuẩn phân phát của nhà nước, người dân còn trông chờ vào mấy phiên chợ ngoài phố để mua thêm rau quả, một vài thứ cần thiết khác. Nhà nước không bán nhiều hoa quả nên để sắm mâm ngũ quả nhiều người phải nhắn từ quê gửi ra từng buồng chuối, quả bưởi, cam, quýt, trứng gà, vài trái ớt.
Mỗi nhà được mua một chai rượu mùi bày trên ban thờ thắp hương. Nhiều người phải tìm cách mua thêm một vài chai để đãi khách. Nhà nào có mấy chai rượu dịp Tết là rất sang.
Những gói mứt Tết được bày bán ở tiệm tạp hóa. Ảnh tư liệu. |
Trong những năm tháng chiến tranh, người Hà Nội vẫn yêu hoa và giữ thú chơi hoa. Nghèo đói đến mấy, mỗi nhà cũng phải sắm được cành đào hoặc bó hoa thập cẩm gồm thược dược, cúc, păng xê... Trên bàn thờ gia đình luôn có hoa hải đường, loài đặc trưng ngày Tết của người dân thủ đô. Trước, trong và sau dịp Tết, các rạp Hà Nội luôn tấp nập, sáng đèn để diễn kịch, ca nhạc. Đêm giao thừa, các rạp vẫn kín người xem.
- Thời bao cấp, Tết ở Hà Nội thay đổi ra sao?
- Đến thời bao cấp, dù chiến tranh không còn, đời sống vẫn rất thiếu thốn. Mọi nhu yếu phẩm vẫn được phân phát theo tiêu chuẩn. Ngày Tết, mậu dịch quốc doanh sẽ tăng thêm tiêu chuẩn thịt, nước mắm, bán thêm một số mặt hàng ngày thường không có như mì chính, hạt tiêu, hạt mứt, gói kẹo, bánh pháo, chai rượu mùi, hộp mứt.
Hộp mứt có vài quả hồng khô, mấy quả táo tầu, một chút mứt bí. Bánh kẹo chủ yếu là của công ty Hải Hà, bọc bằng giấy, mỗi khi bóc ra thì giấy bị dính nên chúng tôi thường ăn cả giấy. Trong túi hàng Tết của người Hà Nội ngày đó thường không thiếu được hai món đặc trưng là vài miếng bóng và miến làm bằng đậu xanh hoặc củ rong riềng.
Trước Tết, loa truyền thanh phường sẽ thông báo thời gian và số lượng bán hàng Tết để người dân biết. Tại các cửa hàng bách hóa sẽ dán thêm thông báo tiêu chuẩn mua hàng của cán bộ, người dân.
Thông thường, mỗi nhà chỉ mua được chút thịt, túi hàng Tết, cân gạo nếp... Lá dong để gói bánh chưng cũng được các đơn vị mậu dịch quốc doanh thu mua từ miền núi về bán. Nhưng như vậy vẫn không đủ nên từ nhiều tháng trước, mỗi nhà phải tích luỹ dần một ít đậu xanh, mộc nhĩ, nấm hương. Trong bếp luôn có quả gấc treo sẵn để ngày Tết nấu xôi gấc. Cán bộ nhà nước có thể đến các hợp tác xã, xí nghiệp xin thêm nước mắm hoặc ít gạo. Tất cả sự chuẩn bị ấy mới đủ để mỗi gia đình làm mâm cơm vào sáng mùng 1 đầu năm.
Thời ấy, ít nhà có điều kiện mua nồi luộc bánh chưng, nên thường phải chờ để mượn nhau. Từ sau tết ông Công, ông Táo, khắp các vỉa hè Hà Nội là những bếp củi luộc bánh chưng. Dù thiếu thốn, nhà nào cũng kéo nhau đi khắp phố chúc Tết. Hiếm lắm mới có gia đình có chén rượu đãi khách mừng năm mới, còn thường uống nước chè và ăn kẹo.
Khung cảnh xếp hàng mậu dịch ở Hà Nội những năm 1960-1970 khi mua túi quà Tết. Ảnh tư liệu. |
- Cách đón Tết và chơi Tết của người Hà Nội thay đổi từ khi nào?
- Từ khi đất nước bắt đầu đổi mới, mở cửa cuối những năm 1980, Tết với người Hà Nội thay đổi hoàn toàn. Thay vì phải trông chờ tiêu chuẩn nhà nước, bây giờ mỗi nhà tự do sắm sửa tất cả.
Đến cuối thập niên 1990, cách đón Tết của người Hà Nội thay đổi lớn khi người ta truyền nhau câu cửa miệng "ăn đi xuống, uống đi lên". Lúc này, lương thực, thực phẩm ngày Tết đã đủ đầy nên người thủ đô coi trọng thức uống hơn. Nhà nào cũng phải có vài thùng bia. Nhà có điều kiện hơn thì sắm mấy chai rượu nhập từ Mỹ.
Đến năm 2000, xu hướng đón Tết lại thay đổi khi nhiều người chọn đi du lịch. Điện thoại phát triển, người ta ít đến nhà nhau chúc Tết hơn mà thăm hỏi qua tin nhắn. Thú chơi hoa cũng khác xưa khi ai nấy đều cố gắng tìm đến những loài cây, hoa lạ, độc đáo. Càng ngày, Tết càng đơn giản hơn và hướng về những nhu cầu tinh thần.
Tuy nhiên, điều không thay đổi là đêm giao thừa, sau khi cúng tất niên, người già vẫn đến các đền, chùa trong thành phố để làm lễ, nhận lộc mang về nhà.