Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ bảy, 18/4/2020, 00:00 (GMT+7)

Người Hà Nội rèn thể trạng

Những ngày giãn cách xã hội, nhiều người Hà Nội chọn cách tập thể dục tại nhà hoặc đầu ngõ.

Hơn nửa tháng nay, từ 16h đến 18h hàng ngày, gia đình chị Hà Trang (quận Thanh Xuân) thường mở Youtube để xem và cùng thực hiện các bài tập thể dục tại nhà.

"Trước đây, mỗi người đều có những cách tập thể dục khác nhau. Từ khi có dịch mọi người có nhiều thời gian quây quần tập thể dục hơn", chị Trang cho biết.

Trang là du học sinh Mỹ, trở về nhà sau 14 ngày cách ly tập trung. “Khi tình hình dịch bệnh tại Mỹ trở nên nghiêm trọng, mình rất lo lắng và thu xếp về nhà ngay khi có lệnh yêu cầu dời khỏi trường. Rất vui khi về được đến nhà an toàn và ở bên gia đình”, Trang chia sẻ.

Hiện tại Trang học online theo thời khóa biểu. Tháng 5 tới, Trang sẽ có lễ tốt nghiệp Đại học qua online "kỳ lạ nhất trong đời”.

Là một huấn luyện viên dạy bơi tự do, công việc của chị Nguyễn Thị Thu Trang (ở quận Hoàn Kiếm) đã tạm dừng từ ngày 20/3 vì dịch. Chị Trang cho biết, do đặc thù của việc bơi nên không thể dạy trực tuyến từ xa như các bộ môn khác. Chị chỉ làm video các bài tập thể lực ngắn cho các học viên và tăng thời gian tự tập thể lực tại nhà của mình.

“Trước đây, mình chỉ tập ở nhà khoảng 30 đến 45 phút thì giờ mình tập từ 1 đến 2 tiếng”, chị nói.

Thấy mẹ tập, con trai chị Trang ra xem và “hướng dẫn” mẹ chỉnh tư thế.

“Năm 2003, khi còn là vận động viên chuyên nghiệp, mình có dịp đi tập huấn ở Trung Quốc ngay thời điểm dịch SARS bùng nổ. Cả đội phải tự cách ly trong một khu thể thao cách thành phố 70 km suốt thời gian tập huấn. Vậy nên khoảng thời gian cách ly xã hội này không khiến mình lạ lẫm. Thậm chí, mình có nhiều thời gian bên gia đình và tập tại nhà hơn trước”, chị Trang chia sẻ.

Kể từ khi dịch bùng phát, thay vì đạp xe lên sân bay Nội Bài hay Đại lộ Thăng Long như trước, anh Leo Cam, tên thật là Dương (ở quận Thanh Xuân) chuyển sang đạp xe tại nhà. Bằng ứng dụng đạp xe Zwift trên điện thoại hoặc laptop có kết nối với phụ kiện ngoài gắn với xe đạp, anh Dương có thể đạp xe mọi cung đường trên thế giới cùng với lực đạp tương đương.

Anh cho biết, nhóm ban đầu chỉ có 3 người bạn cùng sở thích và để phòng khi trời mưa bão không ra ngoài đường. Từ lúc có dịch đến nay, nhóm đạp xe tại nhà của anh đã tăng lên 50 người.

“Trong tình hình này thì đạp xe tại nhà là phương thức thuận tiện nhất khi không ra ngoài đường và hạn chế tiếp xúc. Mọi người vẫn có thể kết nối với nhau, thậm chí là vừa xem phim vừa đạp qua một thiết bị khác’, anh Dương chia sẻ.

Trước đây anh chỉ đạp xe 2 – 3 buổi/tuần, giờ anh có thể đạp 6 buổi/tuần và có ngày đạp xe 6 tiếng, nhiều hơn các buổi đạp xe trước đó.

Giống như anh Dương, chị Hoàng Diệu Thúy (ở phường Bạch Đằng) đã chuyển sang tập yoga qua các lớp dạy trên ứng dụng Zoom hoặc Youtube.

“Đây là khoảng thời gian vàng giúp mình tập trung vào công việc và có thể làm những việc mà ngày thường không có thời gian làm, như: nấu ăn, đọc sách, tự làm nến thơm, tập thể dục…”, chị Thúy chia sẻ.

Từ ngày Hà Nội có ca nhiễm bệnh đầu tiên, anh Vũ Tiến Đức (phường Phúc Tân) đã dừng toàn bộ việc tập thể dục tại công viên, bờ Hồ, phòng gym và chỉ tập ở nhà. Do tính chất công việc bận rộn nên anh chọn nhảy dây để tập luyện thể lực, đến nay đã được 4 năm.

“Trước mình chủ yếu tập bên ngoài vì thoáng, nhưng hơn một tháng nay chỉ ở nhà tập, công việc cũng chuyển làm online, giữ an toàn cho gia đình”, anh Đức chia sẻ.

Hàng ngày, thay vì đi bộ và đánh cầu lông ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chị Chu Thị Hồng (quận Đống Đa) đã chuyển sang đá cầu ngay đầu ngõ.

Một người phụ nữ tập aerobic theo video trên điện thoại ngoài cửa nhà. Hiện tại các lớp tập aerobic đã đóng cửa để tránh tụ tập đông người.

Phố Tố Tịch (quận Hoàn Kiếm) ngày thường nhộn nhịp người mua bán, nay trở thành sân chơi cầu lông cho các cư dân tại đây.

Tính đến chiều 17/4, Hà Nội ghi nhận 132 ca nhiễm, 93 ca khỏi và sẽ tiếp tục cách ly xã hội tới hết ngày 22/4.

Thanh Huế